TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 30/09/2022 17:11

Giải pháp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền

Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và là cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng, tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trải qua 10 năm thi hành, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đi vào cuộc sống đã nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng lên một cấp độ mới. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi, qua đó tạo ra hành lang rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đang tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể như sau:

Một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định, tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...

Việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.

Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa quy định bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng nhà nước khi cần thiết.

Để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam vào thời điểm này là cần thiết, đảm bảo đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm tiền gửi cần bổ sung các nội dung như: Hoàn thiện quy định về phí bảo hiểm tiền gửi; nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; bổ sung quyền, nghĩa vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoàn thiện quy định pháp luật để bảo hiểm tiền gửi tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam; hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả…

Việc tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò giúp bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Hà Châu

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn