TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/10/2023 16:22

Quy định chung về bắt giữ tàu biển trong Bộ luật hàng hải Việt Nam

1. Bắt giữ tàu biển

Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự và thực hiện tương trợ tư pháp.

2. Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển.

Trường hợp cảng có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó.

- Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ án dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển.

Quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án được giao cho cảng vụ hai bản, một bản để thực hiện và một bản để cảng vụ giao cho thuyền trưởng tàu bị bắt giữ để thực hiện.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

3. Trách nhiệm do yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng

- Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng mà gây thiệt hại thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải bồi thường thiệt hại.

- Mọi thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng do các bên tự thỏa thuận giải quyết. Trong trường hợp không thỏa thuận được và có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển không đúng với lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc không đúng tàu biển có yêu cầu bắt giữ mà gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển

- Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính theo một hoặc cả hai hình thức sau đây:

++ Nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác;

+ Gửi một khoản tiền hoặc giấy tờ có giá theo quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính của Tòa án vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong thời hạn chậm nhất là 48 giờ kể từ thời điểm nhận được quyết định đó.

- Giá trị bảo đảm tài chính do Tòa án ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng.

5. Lệ phí bắt giữ tàu biển

- Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

- Lệ phí bắt giữ tàu biển được nộp cho Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển quy định tại Điều 130 của Bộ luật này trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm Tòa án có yêu cầu nộp lệ phí.

6. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ

- Khi yêu cầu bắt giữ hoặc thả tàu biển, người đề nghị phải gửi đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc thả tàu biển đang bị bắt giữ là có căn cứ, hợp pháp.

- Trường hợp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc thả tàu biển đang bị bắt giữ bằng tiếng nước ngoài thì phải gửi kèm theo bản dịch sang tiếng Việt và được chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với tài liệu, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp, xác nhận theo pháp luật nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Thông báo việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ

- Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Tòa án, Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển hoặc quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ.

- Thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu và những người có lợi ích liên quan biết về việc tàu biển bị bắt giữ hoặc được thả.

8. Nghĩa vụ của chủ tài sản trong thời gian tàu biển bị bắt giữ

- Chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm cung cấp kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động an toàn của tàu biển bị bắt giữ.

- Trường hợp chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu không cung cấp hoặc không còn khả năng cung cấp kinh phí duy trì hoạt động an toàn của tàu biển, thuyền trưởng, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm áp dụng biện pháp cần thiết bảo đảm duy trì hoạt động an toàn của tàu biển bị bắt giữ.

- Trường hợp cơ quan thực hiện việc bắt giữ tàu biển cung cấp tài chính duy trì hoạt động an toàn của tàu biển, chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm thanh toán mọi chi phí liên quan đến việc duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ cho cơ quan thực hiện việc bắt giữ tàu biển nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng.

9. Thả tàu biển sau khi bị bắt giữ

- Tàu biển được thả trong trường hợp sau đây:

+ Sau khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã thực hiện biện pháp bảo đảm thay thế hoặc đã thanh toán đủ khoản nợ và chi phí liên quan trong quá trình tàu biển bị bắt giữ;

+ Quyết định bắt giữ tàu biển đã bị hủy;

+ Thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định bắt giữ tàu biển đã hết.

- Trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các bên về mức độ và hình thức bảo đảm thay thế, Tòa án sẽ quyết định mức độ và hình thức bảo đảm thay thế nhưng không vượt quá giá trị tàu biển bị bắt giữ. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển không có quyền thực hiện bất cứ hành động nào xâm phạm tài sản hoặc quyền lợi khác của chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu.

- Tàu biển có thể được thả theo yêu cầu của chính người đã yêu cầu bắt giữ; trong trường hợp này, mọi phí tổn liên quan do người yêu cầu bắt giữ tàu biển thanh toán.

10. Áp dụng pháp luật trong việc bắt giữ tàu biển

- Việc bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương này và pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu biển.

- Việc bắt giữ tàu biển trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, để bảo đảm thi hành án dân sự và thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện theo pháp luật về tố tụng dân sự, về thủ tục bắt giữ tàu biển và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phạm Việt

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn