Ngày 09/11/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nội dung toàn diện, tổng quát cả về xây dựng bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW đó là: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân…”.
1. Khái quát về nền hành chính quốc gia
Trong các văn bản pháp luật hiện hành, chưa có một định nghĩa chính thức về nền hành chính nhà nước hay nền hành chính quốc gia. Từ những góc độ khác nhau, có những quan điểm, cách tiếp cận không giống nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, ở góc độ khái quát nhất, có thể hiểu “nền hành chính quốc gia” là khái niệm dùng để chỉ một hệ thống các yếu tố hợp thành về tổ chức (bộ máy, con người, nguồn lực công) và cơ chế hoạt động để thực thi quyền hành pháp của nhà nước theo quy định pháp luật.
Với những điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, nhiệm vụ trọng tâm của nền hành chính nhà nước cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể: Giai đoạn 2001 - 2010, nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính bao gồm: (i) Cải cách thể chế; (ii) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (iii) Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; (iv) Cải cách tài chính công. Giai đoạn 2011 - 2020, nội dung cải cách hành chính bao gồm: (i) Cải cách thể chế; (ii) Cải cách thủ tục hành chính (đặt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng thể chế); (iii) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (iv) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (v) Cải cách tài chính công; (vi) Hiện đại hóa hành chính.
Ngày 15/7/2021, Chính phủ ra Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của nền hành chính nhà nước được đặt ra gồm 06 nội dung: (i) Cải cách thể chế; (ii) Cải cách thủ tục hành chính; (iii) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (iv) Cải cách chế độ công vụ (với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ); (v) Cải cách tài chính công; (vi) Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Có thể nhận thấy, trong từng giai đoạn, nền hành chính quốc gia tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm riêng nhưng dù tiếp cận dưới góc độ nào, nền hành chính cũng được chú trọng 04 yếu tố cốt lõi bao gồm:
- Hệ thống thể chế hành chính bao gồm các quy định của Hiến pháp, pháp luật là cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của hành chính nhà nước.
- Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương xuống địa phương với cơ chế vận hành phù hợp với yêu cầu thực thi quyền hành pháp.
- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của nền hành chính.
- Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm yêu cầu thực thi công vụ của các cơ quan và cán bộ, công chức hành chính.
2. Kiểm soát là gì? Tại sao Chính phủ phải kiểm soát đối với nền hành chính quốc gia?
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Kiểm soát là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”.
Trong hệ thống cơ quan nhà nước: Kiểm soát quyền lực nhà nước được hiểu là toàn bộ những hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá, những biện pháp mà thông qua đó có thể ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện đúng mục đích mong muốn và đạt được hiệu quả cao.
Kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước là loại hoạt động đặc biệt, bao gồm tổng thể những phương thức mang tính pháp lý được các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân sử dụng nhằm bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Vấn đề kiểm soát quyền lực được Ðảng ta chú trọng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Bất kỳ hoạt động công vụ nào sử dụng quyền lực nhà nước cũng đều chịu sự kiểm soát của Nhà nước và Nhân dân, nhưng đối với hoạt động hành chính thì phương thức kiểm soát cần đặc biệt chú trọng bởi các lý do sau đây:
- Thứ nhất: Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được trao quyền hành pháp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực thi pháp luật, thống nhất quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và bảo đảm cho cá nhân thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật. Sự phát triển về kinh tế, văn hóa và ổn định trật tự xã hội chính là những tiêu chí thể hiện sự phát triển của một quốc gia.
- Thứ hai: Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống hành chính, đó là tính thứ bậc (trên - dưới) trong tổ chức và hoạt động. Vì lẽ đó, cơ quan hành chính cấp trên phải kiểm tra hoạt động của cơ quan hành chính cấp dưới; thủ trưởng phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về hoạt động công vụ của người dưới quyền; cơ quan chuyên môn phải kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ của các đơn vị có liên quan.
- Thứ ba: Cơ quan hành chính được trao chức năng quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Khi quyền lực nhà nước được trao cho nhiều đối tượng thi hành thì việc kiểm tra, giám sát quyền lực đó càng phải thực hiện thường xuyên và nghiêm túc để hạn chế sự lạm quyền, sự vi phạm.
Từ những lý do cơ bản nêu trên, có thể khẳng định việc Chính phủ kiểm soát hoạt động của nền hành chính mang tính tất yếu khách quan. Theo tiến trình phát triển của xã hội, các phương thức, nội dung thực hiện kiểm soát có thể có những thay đổi hay điều chỉnh để phù hợp và hiệu quả hơn trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.
3. Một số vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay về kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia
Trong các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì quyền hành pháp được xem như quyền năng trực tiếp trong hoạch định và thực thi chính sách. Nếu như Quốc hội có chức năng xây dựng, ban hành pháp luật, các cơ quan tư pháp thực hiện việc xét xử đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì “hành động” của Chính phủ là đề xuất, hoạch định chính sách, pháp luật để Quốc hội phê chuẩn, thông qua, nhằm “đưa pháp luật vào cuộc sống”. Tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia nói riêng là một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Để hoạt động kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia đảm bảo tính thực chất, hiệu quả và phù hợp với giai đoạn hiện nay, cần quan tâm một số vấn đề nêu sau:
Một là: Như trên đã phân tích, do phạm vi hoạt động rất rộng cùng nhiều thẩm quyền được trao khi thực thi nhiệm vụ, để kiểm soát quyền lực, tránh lợi dụng quyền lực để trục lợi hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, Chính phủ cần kiểm soát trong nội bộ hoạt động của mình cũng như kiểm soát đối với nền hành chính quốc gia.
Hai là: Chính phủ thực hiện việc kiểm soát quyền lực đối với hệ thống các cơ quan hành chính ở địa phương, gồm Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu các cơ quan này. Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và có thẩm quyền thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, Chính phủ có thẩm quyền và có trách nhiệm kiểm soát việc thực thi quyền lực của cả hệ thống hành chính ở Trung ương cũng như hệ thống các cơ quan hành chính các cấp ở địa phương.
Ba là: Để thực hiện được những hoạt động kiểm soát nêu trên thì cần phải dựa trên một hệ thống các quy định của pháp luật có hiệu lực pháp lý đủ mạnh và có hiệu lực thi hành. Do đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện kiểm soát về thể chế nền hành chính; bên cạnh những đạo luật đã có trong hệ thống pháp luật, cần sớm ban hành một số đạo luật có nội dung liên quan trực tiếp đến nền hành chính, như Luật Tổ chức thi hành pháp luật; Luật Hành chính công… Việc ban hành các văn bản này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để Chính phủ thực hiện kiểm soát đối với nền hành chính quốc gia.
Bốn là: Trong giai đoạn hiện nay, một thiết chế đã chứng tỏ trong thực tiễn về tính hiệu quả đó chính là kiểm soát của các thiết chế chính trị - xã hội và người dân đối với hoạt động của Chính phủ cũng như bộ máy hành chính được thực hiện thông qua các phương thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; thông qua thông tin, phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí; thông qua việc người dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo do pháp luật quy định và nhiều hình thức, công cụ khác được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Như vậy, việc Chính phủ thực hiện hoạt động kiểm soát đối với nền hành chính quốc gia là hoạt động mang tính tất yếu khách quan, dựa trên cơ sở những yếu tố lý luận và thực tiễn. Để hoạt động này phát huy ý nghĩa, hiệu quả cần sự phối-kết hợp của tất cả phương thức kiểm soát bên trong và bên ngoài hệ thống hành chính, để hoạt động hành chính là cầu nối trực tiếp nhất giữa Nhà nước và Nhân dân trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
(Phạm Thị Liên, trường Chính trị Tô Hiệu)