TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 14/11/2024 17:13

Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố; Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 82-CTr/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW.

Đặt mục tiêu cụ thể: Phấn đấu hằng năm thu hút khoảng 24.000 lao động nông thôn tham gia học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp; trong đó khoảng 4.500 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90% vào năm 2030; Chương trình hành động đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp với từng địa phương; tập trung làm nổi bật những nội dung về kết quả đào tạo nghề, tích cực quảng bá, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.

2. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Tập trung đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ và ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa, thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Rà soát, cập nhật nghề, bổ sung nghề đào tạo mới, chuẩn hoá nội dung đào tạo, thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện đào tạo nguồn lực nông thôn gắn với định hướng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ của thành phố với chiến lược thu hút đầu tư, gắn với quà trình đô thị hóa... Nghiên cứu tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, kỹ sư thực hành theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương và người học. Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hoá phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động.

Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố; đổi mới các phương pháp hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho các trường và người lao động; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh niên từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện chính sách đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp nhất là người đứng đầu; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tạo sự thống nhất cao trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.

Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trên cơ sở đó đề nghị, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề; Nghiên cứu xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người cao tuổi còn đủ sức khoẻ có nhu cầu tham gia thị trường lao động. Nghiên cứu xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn; các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng địa phương.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, triển khai thực hiện các quy định, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp vận động các nguồn lực và tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Chương trình hành động này.

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm nguồn lực, các điều kiện đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế của từng địa phương.

Tập trung đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố sau khi sắp xếp lại để cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn thành phố bảo đảm năng lực đào tạo nghề nghiệp đáp ứng ít nhất 80% các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội; đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với thực tiễn, nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và xã hội, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm sau tốt nghiệp, học viên lao động nông thôn ngoài việc được trang bị tốt chuyên môn, kỹ năng nghề, còn có kiến thức về thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động, hội nhập quốc tế..., đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn hướng vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp

Rà soát, cập nhật nghề, bổ sung nghề đào tạo mới, chuẩn hoá nội dung đào tạo, thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Chú trọng triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, tập trung cho các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn của thành phố đã được phê duyệt, để sau khi học nghề người lao động có thể phát huy được nghề và được xã hội công nhận, nâng cao chất lượng và giá trị hình ảnh của đào tạo nghề trong nhận thức của Nhân dân. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động này.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát huy tối đa vai trò của các trường chất lượng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện, tập trung phát triển 03 trụ cột kinh tế chủ yếu của thành phố là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch thương mại; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, phân bổ, phát triển nền nông nghiệp hiện đại hóa, cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp kết hợp đào tạo lao động kỹ thuật chuyên sâu trong hiện đại hóa nông nghiệp, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Thực hiện đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Lượt truy cập: 3014843
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn