Thực hiện Chỉ thị số 36-CTW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn thành phố, ngày 20/8/2024, Thành ủy Hải Phòng có Báo cáo số 582-BC/TU sơ kết 05 năm (2019-2024) thực hiện Chỉ thị này. Báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện đặc điểm, tình hình, công tác triển khai, kết quả thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại hạn chế công tác này, Thành ủy đã chỉ ra 11 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới:
1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác phòng, chống ma túy; coi phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các đơn vị địa phương. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.
Công an thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nghiên cứu, tham mưu với Thành ủy xây dựng Đề án để triển khai thực hiện với mục tiêu “Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy”.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên về hiểm họa ma túy. Thường xuyên cập nhật và phổ biến tác hại của ma túy, cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy. Xây dựng, phát động phong trào: “Toàn dân tham gia phòng, chống ma tuý”. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế giám sát, xử lý địa phương, đơn vị, cá nhân lơ là để tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp.

3. Các lực lượng chuyên trách tập trung công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn cảng hàng không, cảng biển. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy, truy bắt các đối tượng truy nã đang lẩn trốn nhất là các đối tượng truy nã nguy hiểm; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... để chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Phát hiện, triệt xóa kịp thời các cơ sở sản xuất trái phép chất ma túy, diện tích trồng cây có chứa chất ma túy. Lực lượng Công an phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy; chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề mới trong công tác phòng, chống ma túy để đề xuất những giải pháp giải quyết có hiệu quả.
4. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, triệt để thu hồi tài sản do phạm tội ma túy mà có.
5. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tân dược gây nghiện theo hướng quản lý đến người sử dụng cuối cùng.
6. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke,... nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
7. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đa dạng hóa hình thức cai nghiện, tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai. Thường xuyên rà soát, thống kê, đánh giá chính xác người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy để có kế hoạch cai nghiện phù hợp, tập trung ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm.
8. Thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác phòng, chống tái nghiện và vi phạm pháp luật của người trở về gia đình sau cai nghiện.
9. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm đủ khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy. Có chính sách động viên, hỗ trợ người có công, bị thương, bị phơi nhiễm HIV, thân nhân cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy.
10. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về phòng, chống ma túy; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm từng lĩnh vực, chuyên đề về công tác phòng, chống ma túy, góp phần đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
11. Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố, các lực lượng phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong phòng, chống tội phạm ma túy và tranh thủ nguồn lực quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy.
Phạm Liên