(Theo Tài liệu hướng dẫn truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ban hành kèm Quyết định 1716/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Một số khái niệm chung
Truyền thông sức khỏe là quá trình truyền tải, trao đổi thông tin, những thông điệp hay nội dung về các chủ đề sức khỏe, bệnh tật, dịch bệnh, cách thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức khỏe giữa các chủ thể nhằm tăng cường hiểu biết và kiến thức về sức khỏe, thay đổi niềm tin, thái độ, hành vi theo hướng có lợi cho sức khỏe cá nhân, nhóm và cộng đồng để góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ của họ. Ví dụ: truyền thông cho học sinh về phòng, chống các bệnh lây nhiễm.
Truyền thông thay đổi hành vi là chiến lược truyền thông nhằm tập trung thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe của các đối tượng đích trở thành hành vi tích cực, có lợi cho sức khỏe, phòng tránh các nguy cơ gây bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Truyền thông giáo dục sức khỏe
Cụm từ ghép truyền thông giáo dục sức khỏe thường mang ý nghĩa thực hiện quá trình truyền thông nhằm mục đích giáo dục sức khỏe. Quá trình này được tiến hành với nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe đa dạng, qua nhiều kênh hay phương tiện truyền thông khác nhau, có nhiều hình thức khác nhau để truyền tải thông tin, thông điệp sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích và công chúng nói chung.
Truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học là quá trình truyền thông về sức khỏe, giáo dục về sức khỏe cho học sinh nói chung, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức về các chủ đề sức khỏe, bệnh tật, dịch bệnh thường gặp, cách thức phòng tránh bệnh tật, rèn luyện kĩ năng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức khỏe bản thân. Nhân viên y tế trường học, giáo viên, cha mẹ học sinh chính là những người có vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện các hoạt động TTGDSK cho học sinh để góp phần đạt được kết quả mong đợi.
2. Tầm quan trọng của truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học
Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước. Lứa tuổi học sinh đang phát triển về mọi mặt; học sinh trung học đang ở trong độ tuổi vị thành niên, là thời kỳ có nhiều thay đổi về cơ thể, về tâm sinh lí, dễ bị tổn thương tâm lí, dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè trang lứa, thường tò mò, khám phá, làm thử cái mới, nhưng hiểu biết về sức khỏe còn hạn chế nên dễ mắc phải hành vi có nguy cơ đối với sức khỏe; nếu có thói quen hình thành trong giai đoạn học sinh thường ổn định và kéo dài suốt quãng đời. Như thế, muốn có thế hệ tương lai khỏe mạnh cần chú ý thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học hiệu quả để giúp cho học sinh có được kiến thức, thái độ và kĩ năng tích cực đối với sức khỏe, tạo điều kiện hình thành ngay thói quen tốt với sức khỏe khi còn là học sinh. Môi trường học đường có đủ điều kiện để thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe này.
Thực tế, nhiều bệnh tật ở tuổi trưởng thành bắt nguồn từ lứa tuổi học đường như: tật khúc xạ, suy dinh dưỡng, cong vẹo cột sống, béo phì, v.v. Trường học là nơi thường tập trung đông người, hoạt động học tập, sinh hoạt tại trường trong khoảng thời gian khá dài nên hiện tượng trêu ghẹo, bắt nạt, quấy rối tình dục có thể xảy ra; học sinh, giáo viên đi và đến từ nhiều nơi khác nhau, nên nếu có mang mầm bệnh hoặc mắc bệnh truyền nhiễm thì có cơ hội lây lan nhanh từ nhà trường tới gia đình, cộng đồng và có thể ngược lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, học sinh khỏe mạnh sẽ thích thú học tập hơn, hoạt động tiếp thu, hiểu kiến thức sẽ nhanh hơn, khả năng áp dụng kiến thức tốt hơn. Học sinh không thích đi học, chậm tiến bộ thường có khuynh hướng tập hút thuốc, uống rượu sớm hơn và trở thành những người uống rượu và hút thuốc lá thường xuyên. Như thế, tại trường học, học sinh cần được truyền thông giáo dục sức khỏe về sức khỏe, phòng chống các bệnh thường gặp, kĩ năng sống, ứng phó với các tình huống có nguy cơ đối với sức khỏe để học sinh có kiến thức về sức khỏe, thực hiện hành vi có lợi và hình thành thói quen tốt cho sức khỏe ngay từ khi còn là học sinh, làm nền tảng trở thành những công dân khỏe mạnh trong tương lai.
Nhân viên y tế trường học hiện đảm nhiệm rất nhiều công việc như: phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính; cách sơ cứu tai nạn thương tích; phòng chống bạo lực học đường, dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cong vẹo cột sống, tật khúc xạ; truyền thông giáo dục sức khỏe để học sinh có hành vi sức khỏe phù hợp, v.v. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được triển khai tốt, thực hiện hiệu quả không chỉ giúp làm giảm tải công việc, mà còn góp phần nâng cao vai trò của nhân viên y tế trường học tại trường học và cộng đồng, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa nhân viên y tế trường học với học sinh, giáo viên, phụ huynh.
3. Những tập thể và cá nhân tham gia vào công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học
Cơ quan quản lí trường học, lãnh đạo nhà trường, nhân viên y tế trường học, tổ chức đoàn đội của trường, giáo viên, cha mẹ học sinh, cơ quan/tổ chức/các nhân có chức năng truyền thông giáo dục sức khỏe đều có vai trò quan trọng đối với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại trường học.
3.1. Các cơ quan quản lí trường học: đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học, thực hiện các hoạt động TTGDSK tại trường học. Sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc của cơ quan quản lí là yếu tố không thể thiếu giúp các trường học tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả công tác y tế trường học nói chung, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe nói riêng.
3.2. Ban Giám hiệu nhà trường:
Lãnh đạo nhà trường với chức năng quản lí toàn diện trường học, có vai trò quan trọng trong việc phê duyệt kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe tại trường học với những quyết định hợp lí về nguồn lực thực hiện, điều phối sự tham gia của các đơn vị, bộ phận, cá nhân liên quan để hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe khả thi và hiệu quả.
3.3. Nhân viên y tế trường học:
Đây là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu ban đầu, lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe với những chủ đề, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động đa dạng từ cấp độ cá nhân học sinh, đến nhóm lớp, khối lớp, toàn trường; tiến hành các hoạt động đánh giá quá trình thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe cũng như sự tiến bộ về kiến thức, thái độ, thực hành về sức khỏe của học sinh để có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tổ chức đoàn, đội của trường học là đơn vị cùng với đơn vị y tế trường học và các nhân viên y tế trường học triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe lồng ghép với các hoạt động đoàn, đội; đa dạng hóa các hoạt động đoàn, đội để góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại trường.
Nhân viên y tế trường học cần hiểu đúng đặc điểm thể chất, tâm sinh lí của học sinh; xác định đúng, hiểu đúng về các yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến các hành vi sức khỏe của học sinh, để từ đó cân nhắc, phân tích lựa chọn những cách thức, phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe thích hợp để tác động thay đổi hành vi sức khỏe theo hướng có lợi, cũng như làm cơ sở tham mưu xây dựng những chính sách sức khỏe tại trường phù hợp để tạo ra được môi trường thật sự thuận lợi cho học sinh thực hiện hành vi có lợi sức khỏe, duy trì thói quen tốt cho sức khỏe. Nhân viên y tế trường học cần được đào tạo và rèn luyện kĩ năng truyền thông giáo dục sức khỏe để triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiệu quả, mang lại sự hài lòng, tin cậy của học sinh, cha mẹ học sinh, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực, tự nguyện của học sinh trong các hoạt động vì mục đích sức khỏe.
3.3. Giáo viên nhà trường:
Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, bố trí, sắp xếp thời gian hợp lí, nhắc nhở, động viên học sinh tham gia các hoạt động, sự kiện truyền thông giáo dục sức khỏe tại lớp, tại trường.
3.4. Cha mẹ, người chăm sóc/nuôi dưỡng học sinh:
Thu hút, vận động sự tham gia của cha mẹ học sinh vào công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua việc nhắc nhở, động viên, khuyến khích học sinh thực hiện các hoạt động tự chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như: ăn uống cân đối, tập thể dục, vệ sinh cá nhân, học tập, nghỉ ngơi phù hợp, tham gia giao thông an toàn, không hút thuốc lá, v.v.; đồng thời huy động ủng hộ nguồn lực cho các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của nhà trường.
3.5. Các tổ chức và cá nhân có năng lực truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa phương:
Đây là những đối tác tiềm năng của trường và đơn vị y tế trường học. Dựa vào nhu cầu thực tế về truyền thông giáo dục sức khỏe tại trường để có kế hoạch cộng tác, phối hợp với các đối tác tiềm năng này để triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại trường học hiệu quả.