Thực hiện Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023; Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. Thời gian qua, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã thực hiện tốt việc phối hợp với Sở Tư pháp trên các mặt công tác sau:
- Phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xác định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ của Toà án, do đó, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật được diễn ra thường xuyên thông qua việc xét xử của các thẩm phán tại phiên tòa; thông qua các buổi hòa giải, đối thoại. Đặc biệt, việc phối hợp với Sở Tư pháp còn được thực hiện thông qua các phiên tòa giả định được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, các Thư ký, Thẩm phán Toà án còn thường xuyên tham gia viết bài, viết báo đăng gửi trên Báo Hải Phòng, Báo công lý; Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; Cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng khắp trong quần chúng nhân dân.
- Phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở: Toà án nhân dân thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị hại tự nguyện hòa giải và biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đồng thời, động viên đội ngũ Thẩm phán đã nghỉ hưu tham gia làm Hòa giải viên ở cơ sở; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Tòa án đương chức tham gia bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho Hòa giải viên ở cơ sở.
- Phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý: Người tiến hành tố tụng, công chức Toà án làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn, khi lấy lời khai của đương sự hoặc đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, có người thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thực hiện giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cung cấp số điện thoại của người thuộc diện người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ (nếu có) ngay cho người trực qua điện thoại, đồng thời hướng dẫn người thuộc diện người được trợ giúp pháp lý đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực để liên hệ yêu cầu được trợ giúp pháp lý. Khi tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý, người trực có trách nhiệm cung cấp ngay cho người được trợ giúp pháp lý Bảng thông tin và Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, đồng thời giải thích cho người được trợ giúp pháp lý về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý… Việc phối hợp này nhằm bảo đảm cho diện người được trợ giúp pháp lý tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng, nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại tòa và tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý với TAND trong việc trợ giúp pháp lý cho diện người được trợ giúp pháp lý, đặt biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
Quá trình phối hợp hai ngành đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong thời gian tới, dự kiến hai ngành sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp để triển khai các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, đồng thời, góp phần thúc đẩy các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố.
Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng