TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/02/2025 15:15

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 tại thành phố Hải Phòng

Ngày 12/02/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 tại thành phố Hải Phòng.

Kế hoạch nhằm cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh của thành phố Hải Phòng để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu của thành phố nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 5% so với năm 2024 (dự kiến là 3701 doanh nghiệp); số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024 (dự kiến là 457 doanh nghiệp).

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư

Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủy Nguyên trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố phát huy tính hiệu quả đối với Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

2. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh

Sở Tư pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Các Sở, ban, ngành phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến

Các Sở Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông phối hợp, tham gia ý kiến với các Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông trong việc nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Sở Khoa học và Công nghệ tham gia ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ về Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao; danh mục công nghệ chiến lược; quy định về cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua bí mật công nghệ, học hỏi, giải mã các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông về Luật Công nghiệp công nghệ số.

Cục Thuế thành phố phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

4. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia

Các Sở, ngành: Cục Hải quan thành phố, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao, Du lịch: Phối hợp, tham gia ý kiến với các Bộ, ngành Trung ương trong việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa được thông quan và lưu thông trên thị trường. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với hàng hoá sau thông quan dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; giảm thiểu kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt và không có lịch sử vi phạm quy định pháp luật.

Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về nghiên cứu, hoàn thiện chính sách quản lý thuế và hải quan để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan.

Sở Y tế phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Y tế về việc đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Quảng cáo.

5. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố: Tiếp tục hướng dẫn triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Sở Tư pháp: Chủ trì cùng các Sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.  Thực hiện tốt công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Chủ trì nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủy Nguyên: Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa và kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu.

 6. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủy Nguyên: Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro.

Sở Khoa học và Công nghệ: Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung.

Sở Tư pháp: Thực hiện tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Sở Công Thương: Triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Phối hợp với Bộ Công Thương chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ tại nước ngoài. Kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Huy Quang

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 2988717
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn