TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/11/2024 10:05

Bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe ô tô

Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025, trong đó, quy định đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô khi tham gia giao thông.

Theo đó, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ loại ô tô chỉ có 1 hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.

Tuy nhiện, hiện nay chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, ở Hà Nội có 2,5% xe trang bị, tại thành phố Hồ Chí Minh có 1,1% xe sử dụng. Tình trạng trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến, trong đó, 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Đây là thực trạng rất đáng báo động hiện nay.

Để phổ biến sâu rộng hơn nữa quy định mới về bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Ngày 18/11/2024 Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phổ biến những quy định mới về bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, số lượng trẻ em từ 1-10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân khoảng 500.000 em/năm. Dự báo có khoảng 500.000 xe ô tô con cá nhân sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về việc có quan điểm cho rằng mẹ ôm con trên xe có thể bảo đảm an toàn cho trẻ, TS. Trần Hữu Minh thông tin, các nghiên cứu cho thấy, khi xe chạy với tốc độ 30km/giờ, xảy ra va chạm thì lực quán tính tương đương với 03 bao xi măng, tức 150kg và người mẹ gần như không thể giữ con lại được. Còn nếu va chạm ở tốc độ 60km/giờ, lực quán tính tương tương đương với 06 bao xi măng, tức 300kg, lúc đó thậm chí những người lớn trên xe còn không giữ nổi mình, chưa nói đến giữ trẻ em. Do đó, suy nghĩ người lớn ngồi sau có thể bế hoặc giữ trẻ em để phòng ngừa va chạm là nhận thức không đúng về sự nguy hiểm khi có va chạm. Chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em.

Nguyên nhân vì sao trẻ em không nên ngồi ghế trước cũng được đưa ra thảo luận, giải đáp tại Hội nghị. Theo đó, đại diện Trung tâm thuộc Đại học Y tế Công cộng cho rằng, ghế trước là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh sẽ có lộ trình phù hợp trong quá trình triển khai vào các văn bản dưới luật, hướng tới tất cả những phương tiện khi chở trẻ em, dù là xe cá nhân hay xe buýt, xe kinh doanh vận tải đều phải dùng thiết bị an toàn. Đặc biệt nhóm xe cá nhân cần tập trung, quan tâm nhiều nhất, vì xe này đang được lưu hành với tốc độ cao nhất và có tần suất sử dụng nhiều hơn. Khi di chuyển với tốc độ cao hơn, các rủi ro dẫn tới va chạm và hậu quả lớn hơn.

Nhật Linh

Lượt truy cập: 2868012
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn