Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 808/KH-BGDĐT ngày 03-7-2024 về triển khai Phong trào Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030 của ngành Giáo dục. Cụ thể một số nội dung của Phong trào:
1. Mục đích
- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Giáo dục về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; từ đó, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị chủ động, tích cực tham gia bằng những hành động và việc làm cụ thể, góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai Phong trào thi đua, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy xây dựng toàn ngành Giáo dục học tập, học tập suốt đời.
- Nội dung và hình thức thi đua thiết thực, hiệu quả nhằm bảo đảm công bằng về cơ hội học tập, điều kiện học tập, bảo đảm mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều được tiếp cận hệ thống giáo dục mở.
- Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Phong trào thi đua.
2. Nội dung phong trào thi đua
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.
- Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
- Thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.
- Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.
- Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa.

3. Giải pháp thực hiện
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; sơ kết, tổng kết và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện, ban hành các chính sách thúc đẩy công tác xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng xã hội học tập.
- Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhà trường, gia đình, cộng đồng.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị các cấp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, gắn với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường tuyên truyền về các điển hình tiêu biểu, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành và xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, suốt đời.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa; phát triển các nền tảng, tài nguyên giáo dục dùng chung phù hợp trên không gian mạng và hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá kết quả triển khai Phong trào thi đua.
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục người lớn, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về công nghệ đào tạo mở và từ xa trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập…
Vũ Giang