Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục, đào tạo vẫn chưa có được bước phát triển bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, nhất là yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước, thế giới đứng trước nhiều cơ hội, thách thức phát triển mới. Mặc dù có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhưng điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất khó khăn, số trẻ tới lớp còn thấp.
Nguyên nhân chính là do còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế trong tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo. Bối cảnh mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khoẻ (cả thể chất và tinh thần) tương xứng với việc thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, yếu tố then chốt cho thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, cùng với tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy tiến bộ xã hội, mở rộng cơ hội cho mọi người dân tiếp cận giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời và phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Trước các yêu cầu cấp bách này, cần phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng hiện đại hoá, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.

Tại Mục 3 của Thông báo số 177-TB/VPTW ngày 25/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng uỷ Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Trung ương thống nhất chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tài chính. Chủ trương này được thực hiện theo lộ trình từng bước, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá.
Đặc biệt, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo không thu phí đối với học sinh. Mục tiêu là giảm áp lực học tập, đồng thời tăng cường giáo dục văn hóa, nghệ thuật để học sinh được phát triển toàn diện.
Chính phủ được giao nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về:
- Cơ sở vật chất, phòng học
- Đội ngũ giáo viên
- Chương trình dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp
Thời gian chính thức bắt đầu triển khai chủ trương này là từ năm học 2025-2026.
Huy Quang