Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật gồm:
1. Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội
Dự thảo Luật nêu nội dụng về Chương trình lập pháp (thay cho tên gọi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay) với tính chất là:
- Chương trình để định hướng cho hoạt động lập pháp;
- Chương trình này sẽ mang tính linh hoạt cao. Quy trình xây dựng chính sách sẽ được tách bạch ra khỏi quy trình lập Chương trình lập pháp.
2. Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ
Dự thảo Luật bổ sung nội dung về thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành nghị quyết quy phạm để thí điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn; để áp dụng pháp luật trong một thời gian nhất định. Đồng thời, quy định một số đặc thù trong xây dựng, ban hành loại văn bản này, bảo đảm nhanh gọn (nghị quyết của Chính phủ có thể có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ thông qua).
3. Phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Luật đã phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Theo đó:
- Bố cục và thiết kế nội dung của dự thảo Luật theo hướng, Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại, Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật mà các chủ thể được phép ban hành và giao các cơ quan quy định chi tiết.
- Sửa đổi, bổ sung khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật”, “chính sách” làm cơ sở xác định thẩm quyền của các chủ thể trong lập pháp và lập quy.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về văn bản quy định chi tiết: bổ sung khái niệm “văn bản quy định chi tiết” (là văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các nội dung được uỷ quyền trong văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn); bổ sung trường hợp điều chỉnh những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên, chưa có tính ổn định cao thì ủy quyền, giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết; bỏ quy định về việc giao cơ quan quy định chi tiết và phạm vi nội dung giao quy định chi tiết tại các điều, khoản, điểm cụ thể.

4. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, trên cơ sở chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào 02 vấn đề lớn, trọng tâm sau đây:
- Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
5. Đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo Luật đã bổ sung:
- Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể để quy định về vấn đề phân cấp
Dự thảo Luật bổ sung nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể để quy định về vấn đề phân cấp như: Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, Bộ trưởng, Thủ trương cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để phân cấp cho chính quyền địa phương một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết, quyết định để phân cấp một số vấn đề thuộc thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp dưới.
- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
+ Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước;
+ Trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành và kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
+ Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí bị tác động trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
6. Quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật
Với tinh thần cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Dự thảo có nội dung Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm đến cùng, bảo đảm được tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án, từ đề xuất, soạn thảo, trình cho đến khâu chỉnh lý dự thảo, đồng thời, bảo đảm tốt hơn việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
7. Giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật bổ sung nội dung về giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Thứ nhất, phạm vi văn bản quy phạm pháp luật giải thích áp dụng là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ hai, việc giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong trường hợp quy định của văn bản có cách hiểu khác nhau, không xác định rõ quy định để áp dụng.
Thứ ba, về thẩm quyền giải thích: cơ quan nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đó sẽ giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, về nguyên tắc giải thích:
- Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật;
- Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.
Thứ năm, trình tự, thủ tục giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định của Chính phủ.