Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang dự thảo và lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử thành phố đối với dự thảo Quyết định quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính về đất đai theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Cụ thể:
1. Đối tượng áp dụng
- Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
- Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
2. Căn cứ xác định tình trạng ban đầu của đất
- Tình trạng ban đầu của đất được xác định theo hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình, bản đồ thổ nhưỡng chính quy.
- Trường hợp có nhiều tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này mà nội dung thể hiện khác nhau về tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì xác định theo tài liệu có thời điểm thành lập gần nhất tính đến thời điểm vi phạm.
- Trường hợp không có hoặc có tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng nội dung không thể hiện hoặc thể hiện không cụ thể tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì xác định theo hồ sơ đang sử dụng để phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương (số liệu thống kê, kiểm kê, bản đồ quy hoạch, bản đồ hiện trạng, báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương); Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở thu thập ý kiến của những người từng cư trú tại nơi có đất trước hoặc cùng thời điểm xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.
3. Trách nhiệm thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu của đất
- Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, cá nhân trình hồ sơ xử phạt phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt, yêu cầu đối tượng vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất theo quyết định xử phạt.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản xác nhận việc hoàn thành khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm của đối tượng vi phạm, báo cáo kết quả bằng văn bản cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các loại đất có tính chất phức tạp, chưa thể xác nhận việc hoàn thành, Ủy ban nhân dân cấp xã xin ý kiến hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn để làm cơ sở xác nhận.
- Trường hợp đối tượng vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền xử phạt vi phạm để tổ chức việc cưỡng chế. Việc thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật về cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính.
4. Mức độ phôi phục
- Mức độ khôi phục tại Quy định này gồm 03 mức độ: khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để có thể sử dụng được mục đích ban đầu; giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm phát hiện vi phạm. Việc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất không làm ảnh hướng đến thửa đất liền kề, xung quanh.
- Khôi phục lại trình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm bao gồm các biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của loại đất trước khi bị tác động bởi hành vi của đối tượng vi phạm.
- Khôi phục tình trạng ban đầu của đất ở mức có thể sử dụng được mục đích ban đầu bao gồm các biện pháp khôi phục đạt mức tương đồng về thổ nhưỡng, địa hình không chênh lệnh quá 20cm so với thửa đất liền kề, gần nhất có cùng mục đính sử dụng.
5. Mức độ khôi phục đối với từng hành vi vi phạm
* Trường hợp vi phạm quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
- Trường hợp vị trí, diện tích, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch, kế họach sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được chấp thuận dự án đầu tư thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
- Trường hợp vị trí, diện tích, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng không phù hợp với quy hoạch, kế họach sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
* Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì buộc đối tượng phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để có thể sử dụng được mục đích ban đầu.
* Đối với vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP
- Trường hợp vị trí, diện tích, loại đất lấn chiếm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận dự án đầu tư thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
- Diện tích đất lấn, chiếm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
* Đối với vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
- Trường hợp làm biến dạng địa hình để sử dụng vào mục đích trong nhóm đất nông nghiệp: đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm hoặc khôi phục ở mức có thể sử dụng được vào mục đích ban đầu.
- Trường hợp làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
- Trong trường hợp không thể khôi lại tình trạng ban đầu của đất thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ mức độ khôi phục có văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn có liên quan, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
* Đối với vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
Trường hợp gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trần Khánh