Cổng thông tin điện tử thành phố đang lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Quyết định Quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định chi tiết về bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản, vật nuôi khác mà không thể di chuyển được theo quy định tại Khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 và hỗ trợ di dời đối với vật nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ.
- Đối tượng áp dụng
+ Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 là chủ sở hữu của vật nuôi đang được chăn nuôi, nuôi trồng hợp pháp trên diện tích đất thu hồi.
+ Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển thì được bồi thường thiệt hại thực tế theo quy định tại Khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 và theo mức bồi thường cụ thể được quy định như sau:
- Vật nuôi được áp dụng để tính bồi thường thiệt hại thực tế bao gồm:
+ Vật nuôi là thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam được ban hành tại Phụ lục IV Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
+ Gia súc, gia cầm (theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018) và động vật khác trong chăn nuôi (theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018) mà không thể di chuyển được theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại thực tế đối với vật nuôi là bồi thường 100% chi phí thực tế đầu tư để chăn nuôi hoặc nuôi trồng vật nuôi đó kể từ ngày nhập giống đến thời điểm kiểm kê, lập phương án bồi thường. Các chi phí để tính thực tế đầu tư bao gồm: chi phí mua giống; chi phí mua thức ăn, thuốc thú y, hóa chất; chi phí điện, nước; chi phí nhân công.
- Cơ sở để xác định mức bồi thường cụ thể cho từng trường hợp thu hồi đất như sau:
+ Kê khai thực tế đầu tư của chủ sở hữu vật nuôi.
+ Giá thị trường đối với giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất; giá điện, nước; giá nhân công.
+ Ý kiến của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn cấp huyện đánh giá về sự phù hợp các nội dung đầu tư của chủ sở hữu vật nuôi.
+ Các tài liệu hợp pháp khác được pháp luật quy định: kê khai, đăng ký chăn nuôi đối với vật nuôi thuộc diện phải kê khai, đăng ký; hóa đơn, chứng từ mua giống, vật tư, điện, nước
3. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di dời vật nuôi, chủ sở hữu vật nuôi được hỗ trợ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 108 Luật Đất đai năm 2024, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ.
Các trường hợp, biện pháp, mức hỗ trợ di dời đối với từng loại vật nuôi để hỗ trợ cho chủ sở hữu vật nuôi khi phải di dời được quy định cụ thể như sau:
- Vật nuôi để hỗ trợ di chuyển là gia súc, gia cầm (theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018) và động vật khác (theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018) đang được chăn nuôi trên diện tích đất thu hồi được di dời tới vị trí chăn nuôi mới, hợp pháp, trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Biện pháp di dời vật nuôi để hỗ trợ: Phù hợp với thực tiễn và theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-100:2012/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Mức hỗ trợ di dời vật nuôi: 100% chi phí thuê phương tiện vận chuyển để di dời vật nuôi.