PHẦN III
Câu 31: Khi đăng ký hộ tịch mà có sai sót trong việc ghi Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch thì công chức tư pháp - hộ tịch xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Thông tư 15/2015/TT-BTP, việc sửa chữa sai sót khi ghi Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch được thực hiện như sau:
- Khi đăng ký hộ tịch, nếu có sai sót trong việc ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch phải gạch bỏ phần sai sót, ghi sang bên cạnh hoặc lên phía trên, không được chữa đè lên chữ cũ, không được tẩy xóa và viết đè lên chỗ đã tẩy xoá.
Trường hợp có sai sót bỏ trống trang sổ thì công chức làm công tác hộ tịch phải gạch chéo vào trang bỏ trống.
Cột ghi chú của Sổ hộ tịch phải ghi rõ nội dung sửa chữa sai sót; ngày, tháng, năm sửa; công chức làm công tác hộ tịch ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
Công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan đăng ký hộ tịch biết về việc sửa chữa sai sót. Thủ trưởng cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, cho phép đóng dấu xác nhận vào nội dung sửa chữa sai sót.
Công chức làm công tác hộ tịch không được tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung đã ghi trong Sổ hộ tịch.
- Khi đăng ký hộ tịch, nếu có sai sót trên giấy tờ hộ tịch thì công chức làm công tác hộ tịch phải hủy bỏ giấy tờ đó và ghi giấy tờ mới, không cấp cho người dân giấy tờ hộ tịch đã bị sửa chữa.
- Sau khi đăng ký hộ tịch mà phát hiện sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc do lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì phải tiến hành thủ tục cải chính hộ tịch theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Câu 32: Trích lục hộ tịch là gì? Từ năm 2016 công dân có thể xin bản sao trích lục hộ tịch ở đâu?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 thì: “Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính”.
Theo quy định tại Điều 63 Luật hộ tịch năm 2014 thì: “Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký”. Như vậy, từ thời điểm ngày 01/01/2016 (Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành) công dân có thể xin bản sao trích lục hộ tịch tại bất kỳ Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Việt Nam mà không phụ thuộc nơi cư trú (thường trú, tạm trú).
Câu 33: Sổ hộ tịch được lưu trữ trong thời gian bao lâu? Những cơ quan nào có trách nhiệm lưu trữ Sổ hộ tịch?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 58 Luật hộ tịch năm 2014, Điều 28 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì:
- Sổ hộ tịch được lưu trữ vĩnh viễn, được giữ gìn, bảo quản để sử dụng, phục vụ nhu cầu của nhân dân và hoạt động quản lý nhà nước.
- UBND cấp xã, UBND cấp huyện và Sở Tư pháp có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng chống bão lụt, cháy, ẩm ướt, mối mọt để bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và Giám đốc Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm trong việc làm mất, hư hỏng hoặc khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch trái pháp luật.
Câu 34: Việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú trong nước với nhau được thực hiện tại đâu?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 17 Luật hộ tịch năm 2014 quy định: “UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.”
Như vậy, trong trường hợp này UBND cấp xã nơi bên nam hoặc bên nữ cư trú thực hiện việc đăng ký kết hôn.
Câu 35: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị sử dụng như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị sử dụng như sau:
- Về thời gian sử dụng: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
- Về mục đích sử dụng: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác (vay vốn ngân hàng, nộp hồ sơ dự tuyển vào một số công ty, doanh nghiệp yêu cầu ứng viên chứng minh tình trạng hôn nhân...).
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.
Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân trong hồ sơ đăng ký kết hôn của 2 bên nam, nữ là bản sao có chứng thực có được không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn phải là bản chính.
Câu 36: Phạm vi thay đổi hộ tịch gồm những nội dung gì?
Trả lời:
Điều 26 Luật hộ tịch năm 2014 phạm vi thay đổi hộ tịch gồm:
- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015: Người thành niên có năng lực hành vi có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp:
+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
+ Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
+ Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
+ Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà bên vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
+ Thay đổi tên của người được xác định lại giới tính;
+ Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Việc thay đổi tên cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
- Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Câu 37: Anh A và chị B đến UBND cấp xã nơi anh A cư trú để đề nghị thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Tại đây, người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu anh chị nộp thêm bản sao CCCD và Sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thủ tục hành chính niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, anh A thấy không có yêu cầu này nên anh muốn hỏi yêu cầu của cán bộ tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp này là đúng hay sai?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trường hợp pháp luật quy định giấy tờ xuất trình thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu nộp thêm bản sao hoặc bản chụp của giấy tờ xuất trình.
Như vậy, việc cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu anh chị nộp bản sao CCCD và Sổ hộ khẩu khi đăng ký kết hôn trong trường hợp trên là sai quy định.
Câu 38: Khi thực hiện yêu cầu đăng ký thay đổi dân tộc cho mình từ dân tộc Kinh (dân tộc của cha) sang dân tộc Tày (dân tộc của mẹ), chị B nhờ anh A khai tờ khai và ký tên chị trên tờ khai đăng ký. Đến ngày hẹn trả kết quả chị B đến ký vào Sổ hộ tịch thì công chức tư pháp - hộ tịch phát hiện chữ ký của chị trong tờ khai và Sổ hộ tịch khác nhau. Vậy trường hợp này có sai quy định pháp luật về hộ tịch không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì “Khi trả kết quả đăng ký hộ tịch, người trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra lại nội dung ghi trong giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch. Nếu người yêu cầu đăng ký hộ tịch thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký hộ tịch thì ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên trong Sổ hộ tịch theo hướng dẫn của người trả kết quả và nhận giấy tờ hộ tịch tương ứng. Chữ ký của người yêu cầu đăng ký hộ tịch trên Tờ khai đăng ký hộ tịch, giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch phải thống nhất; không được ký các chữ ký khác nhau. Trường hợp người yêu cầu đăng ký hộ tịch không ký được thì thực hiện điểm chỉ”.
Như vậy, trường hợp này chữ ký của chị B trong tờ khai và Sổ hộ tịch khác nhau là sai quy định pháp luật về hộ tịch. Công chức tư pháp - hộ tịch hướng dẫn chị B khai lại tờ khai và kiểm tra, xác minh tính chính xác của nội dung thông tin trước khi cấp trích lục hộ tịch.
Câu 39: Anh A và chị B kết hôn với nhau năm 2023. Tháng 4/2024 anh chị sinh con đầu lòng. Anh A chị B chị muốn hỏi trong thời gian bao lâu kể từ khi sinh con thì anh chị phải đi đăng ký khai sinh cho con? Khi đăng ký khai sinh cho con, thủ tục cần có giấy tờ gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch năm 2014 thì “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Như vậy, theo quy định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, anh chị có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho con.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật hộ tịch năm 2014 và khoản 1, khoản 2 Điều 2, Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đi đăng ký khai sinh cho con, anh A, chị B cần có các giấy tờ sau:
- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh
- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.
- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Câu 40: Nhiệm vụ của các Sở, ngành trong việc triển khai, thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/6/2024, quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Trả lời:
Tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Văn bản số 1570/UBND-KSTTHC chỉ đạo triển khai thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ. Cụ thể:
1. Các Sở, ngành: Công an, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố
- Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm nghiệp vụ của ngành mình phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phần mềm dịch vụ công liên thông, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố đảm bảo thực hiện 02 nhóm TTHC tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP có hiệu quả.
- Bảo đảm các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân sự, trang thiết bị làm việc, đường truyền phục vụ kết nối, chia sẻ nhằm thực hiện có hiệu quả 02 nhóm TTHC.
- Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cấp phần mềm của từng ngành, bảo đảm kết nối thông suốt với Phần mềm dịch vụ công liên thông, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố.
- Phối hợp, liên hệ chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị trên địa bàn để hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ 02 nhóm TTHC.
- Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định pháp luật.
- Khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thực hiện theo quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi các quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP để người dân biết và thực hiện.
- Hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước, đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin của thành phố, tổng hợp các vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. (phối hợp với các Sở, ngành: Tư pháp, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố với phần mềm nghiệp vụ của từng bộ, ngành và phần mềm dịch vụ công liên thông theo hướng dẫn của bộ, ngành có liên quan).
- Kết nối và chia sẻ dữ liệu vùng có điều kiện kinh tế khó khăn- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo với Phần mềm dịch vụ công liên thông, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
- Định kỳ kiểm tra an toàn thông tin đối với phần mềm dịch vụ công liên thông, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin kết nối, chia sẻ với Phần mềm dịch vụ công liên thông bảo đảm việc triển khai 02 nhóm TTHC thông suốt, an toàn.
- Thường xuyên, định kỳ đánh giá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, cơ sở hạ tầng trong cung cấp thông tin và triển khai dịch vụ công liên thông điện tử của các cơ quan nhà nước, tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
- Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
3. Công an thành phố
- Phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an vận hành, kết nối thông suốt, bảo đảm an toàn thông tin giữa phần mềm dịch vụ công liên thông với phần mềm của các bộ, ngành có liên quan để thực hiện hiệu quả 02 nhóm TTHC quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP.
- Phối hợp đề xuất với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an Nâng cấp ứng dụng VneID theo hướng đơn giản, thuận tiện cho công dân và cán bộ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2024/NĐ-CP.
4. Sở Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ thực hiện, giải quyết 02 nhóm TTHC liên thông điện tử theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP.
- Tổng hợp kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND thành phố trong quá trình triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố.
5. Sở Y tế
Chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về việc cấp giấy chứng sinh và giấy báo tử có ký số và các điều kiện khác được quy định tại Điều 25 Nghị định 63/2024/NĐ-CP để thực hiện thông nhất có hiệu quả 02 nhóm TTHC.
6. Uỷ ban nhân dân quận, huyện
- Quan tâm bố trí nhân lực, trang thiết bị cần thiết triển khai thực hiện 02 nhóm TTHC nêu trên.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn, Công an xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện 02 nhóm TTHC liên thông theo đúng Nghị định số 63/2024/NĐ-CP.
Câu 41: Vì sao nói triển khai, thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất là “nhiệm vụ quan trọng, thời gian triển khai gấp rút”
Trả lời:
Để triển khai đồng bộ, kịp thời Nghị định số 63/2024/NĐ-CP từ trung ương đến địa phương, ngày 25/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 454/TTh-KSTT chỉ đạo triển khai kịp thời Nghị định số 63/2024/NĐ-CP, đồng thời xác định đây là “nhiệm vụ rất quan trọng, thời gian triển khai gấp rút”. Theo đó, với vai trò chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ: Xây dựng, hoàn thiện tài liệu tập huấn, hướng dẫn triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Phần mềm dịch vụ công liên thông thông suốt với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thuộc Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu các ngành: Y tế, Lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trước ngày 01/7/2024. Trong đó, Bộ Tư pháp phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Phần mềm dịch vụ công liên thông, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông suốt trước ngày 01/7/2024.
Tại thành phố Hải Phòng, ngày 09/7/2024, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 1570/UBND-KSTTHC chỉ đạo triển khai thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2350/QĐ-UBND ngày 11/7/2024, về việc công bố 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử.
Câu 42: Ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.
Trả lời:
* Những hạn chế trước khi Nghị định số 63/2024/NĐ-CP được ban hành:
Việc xây dựng và áp dụng quy trình thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính theo chỉ đạo tại Văn bản số 2084/VPCP-KSTT ngày 30/3/2023 của Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thí điểm tại 02 địa phương là: Hà Nội, Hà Nam và triển khai toàn quốc từ ngày 10/7/2023. Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa quy định đủ các thủ tục hành chính có liên quan, ví dụ như nhóm thủ tục hành chính đăng ký khai sinh mới quy định nhóm đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã, chưa quy định nhóm đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện (đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài); hay nhóm thủ tục hành chính liên thông khai tử (đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài) mới quy định liên thông giải quyết hỗ trợ chi phí mai táng, chưa liên thông giải quyết chế độ trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp một lần, dẫn đến trường hợp muốn hưởng cả chính sách mai táng và tử tuất thì phải thực hiện cả trực tuyến để được giải quyết hỗ trợ chi phí mai táng và trực tiếp để được hỗ trợ tử tuất, điều này gây khó khăn cho người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan.
* Lợi ích của việc triển khai thực hiện 02 nhóm TTHC liên thông
Bổ sung thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và đối tượng thụ hưởng: Từ ngày 1/7/2024 đến nay 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được quy định bởi Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ Nghị định đã quy định bổ sung các thủ tục hành chính, đối tượng thụ hưởng, đồng thời quy định rõ các bước thực hiện liên thông điện tử thông suốt để khắc phục những hạn chế trên.
Việc thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính đã hạn chế việc sử dụng các Tờ khai, biểu mẫu, giấy tờ bằng giấy và tái sử dụng lại (theo hướng người dân chỉ khai báo thông tin, giấy tờ một lần) đối với 06 trường thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú. Tại mỗi loại thủ tục liên thông, công dân sẽ không phải khai (nhập) lại 06 nội dung tại 06 trường trên mà hệ thống sẽ tự động cập nhật. Bên cạnh đó, còn giúp giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết; rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục được tình trạng sai lệch thông tin; đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.
Nghị định 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 được ban hành và triển khai đã tạo các cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước trên môi trường điện tử cũng như thực hiện giải quyết chính sách, yêu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số.