TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/10/2022 14:11

Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm chế biến thuỷ sản trọng điểm của cả nước

Ngày 14/9/2022, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản của thành phố theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo hiện đại, hiệu quả và bền vững theo tiêu chí đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Gắn với Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chiến lược phát triển ngành thủy sản; nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị thuỷ sản toàn quốc và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%/năm, đưa thành phố Hải Phòng thành trung tâm chế biến thuỷ sản trọng điểm của cả nước.

Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng có trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiến tiến trở lên. Thành phố có doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

- Triển khai cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến thủy sản;

- Tạo nguồn nguyên liệu và kiểm soát nguyên liệu chế biến thủy sản;

- Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiên đại hóa công nghê,̣ nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chế biến thủy sản;

- Phát triển chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao;

- Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản;

- Tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến.

Giải pháp thực hiện Kế hoạch

Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ

- Thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư vào sản xuất.

- Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng từ nguyên phụ liệu thủy sản; cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản truyền thống.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá; ưu tiên ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, chất lượng, tuần hoàn, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi sinh thái và hữu cơ.

- Xây dựng các mô hình xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản của địa phương, giảm tổn thất sau thu hoạch. Thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương.

Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến

- Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tổ chức lại hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến phù hợp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương. Đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu, với các nhà chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng... theo chuỗi giá trị của sản phẩm, với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, của các hội, hiệp hội, hợp tác xã kiểu mới.

- Gắn việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất với nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh đối với hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị, bảo hộ lao động cho công nhân.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi, môi trường, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đưa vào chế biến.

- Tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm.

- Phát triển cụm công nghiệp, hình thành các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản, chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp nông thôn phù hợp với quy hoạch của thành phố; phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người khai thác, nuôi trồng thủy sản.

- Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản; sản xuất kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

- Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO,...) trong các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.

Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản

- Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng cá loại I, loại II, cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động khai thác vùng khơi (cảng Ngọc Hải – quận Đồ Sơn, cảng cá Mắt Rồng - huyện Thủy Nguyên, cảng cá Trân Châu - huyện Cát Hải, cảng cá Quan Chánh - huyện Kiến Thụy) theo quy hoạch để thu hút tàu cá trong và ngoài thành phố tập kết, tiêu thụ hải sản khai thác, đảm bảo năng lực tiếp nhận, giao thương được thuận tiện gắn với an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kiểm soát truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hệ thống kho lạnh, kho cấp đông bảo quản sản phẩm thủy sản quy mô lớn tại các cảng cá của thành phố.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên ngành chế biến, bảo quản thủy sản, đáp ứng cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về sản xuất, chế biến, bảo quản, an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến thủy sản. Từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến thủy sản dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về nguồn lợi, vùng khai thác và công nghệ chế biến.

Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

- Hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải và xử lý hiệu quả các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, bảo quản và chế biến thủy sản.

- Triển khai các chương trình, dự án cấp mã số vùng nuôi trồng thuỷ sản, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường áp dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản

- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tôn vinh sản phẩm thủy sản của thành phố có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa các kênh giới thiệu, quảng bá và phân phối sản phẩm thủy sản (tổ chức các hội chợ, triển lãm, tuần lễ giới thiệu sản phẩm thủy sản; thường xuyên tổ chức các gian hàng thủy sản, sản phẩm đặc sản chủ lực của thành phố tại khu vực đông dân cư, các khu chung cư, khu đô thị ... để giới thiệu quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản chất lượng cao, sản phẩm mới, sản phẩm an toàn giá trị gia tăng cao);

Cập nhật thông tin thị trường, chính sách thương mại khu vực và quốc tế về thủy sản; giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật, thuế quan để định hướng sản xuất, chế biến thủy sản;

Xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm thủy sản đặc sản là thế mạnh trên địa bàn thành phố;

- Xây dựng, triển khai thực hiện công tác khuyến ngư phát triển sản xuất thủy sản; xây dựng các mô hình sản xuất nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến trên địa bàn các huyện, quận của thành phố;

- Thiết lập hệ thống logistics sản phẩm thủy sản để kết nối với các vùng sản xuất thủy sản trong và ngoài thành phố; phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản, các loại máy móc, trang bị phù hợp với quy mô doanh nghiệp trên địa bàn, sản xuất bao bì đóng gói thân thiện với môi trường và các loại phụ gia, hóa chất bảo quản thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhiệm vụ, chương trình ưu tiên

Xuất phát từ tình hình thực tế, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và các nhiệm vụ, dự án ưu tiên trên địa bàn thành phố, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu chế biến và tiêu thụ thủy sản trên địa bàn thành phố kết nối, tích hợp với hệ thống dữ liệu Trung ương. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về nguyên liệu thủy sản hợp pháp phục vụ chế biến cho đội ngũ quản lý, kỹ thuật tại các doanh nghiệp thu chế biến, xuất khẩu thủy sản. Dự án xây dựng các mô hình phát triển sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh, các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị đối với thủy sản khai thác, nuôi trồng trên địa bàn thành phố.

Thu Hương

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn