TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/12/2021 10:45

Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030

Ngày 13/12/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 3600/QĐ-UBND về Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030

Chương trình phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố, nguồn lực con người nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong nhiệm vụ bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người. Thanh niên phát huy vai trò là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của thanh niên thành phố Hải Phòng đi đầu trong cách mạng 4.0, số hóa, hội nhập công dân toàn cầu, khởi nghiệp, sáng tạo.

Mục tiêu tổng quát của chương trình: Xây dựng thế hệ thanh niên thành phố Hải Phòng phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc; có đạo đức, ý thức công dân, có lý tưởng, hoài bão; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố. Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao tính xung kích, tình nguyện, trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mục tiêu cụ thể:

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên: Hàng năm, 100% thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên trong lực lượng vũ trang được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng tuyên truyền, phổ biến quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong lực lượng vũ trang về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc và các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. 100% thanh niên là học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh, các kiến thức liên quan đến phòng, chống các tệ nạn xã hội, các kiến thức liên quan đến đời sống, học tập và việc làm của thanh niên. Bảo đảm 100% thanh niên trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được học tập, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật tại nước sở tại dự kiến thanh niên đến làm việc và các văn bản pháp lý có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động. Hàng năm, 100% thanh niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến giáo dục pháp luật.

Phấn đấu đến năm 2030, trên 90% thanh niên nói chung và 100% thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên khu vực thành thị được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo: Hàng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng mềm và các kiến thức xã hội phù hợp. Đến năm 2030, trên 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương.

Phấn đấu đến năm 2030: Trên 25% thanh niên là cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể tại thành phố; cấp quận, huyện đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và trên 30% thanh niên là cán bộ, công chức phường, trên 20% thanh niên là cán bộ, công chức xã, thị trấn đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao: Hàng năm, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên được cung cấp thông tin về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố và được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, thích ứng được ngay với các yêu cầu cơ bản của xã hội sau khi tốt nghiệp. Hàng năm, phấn đấu có trên 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp là của thanh niên, trong đó có trên 40% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 70% thanh niên được đào tạo nghề gắn với việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ. Có ít nhất 35.000 đến 40.000 thanh niên được giải quyết việc làm. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 4%; tỉ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 5%. Có ít nhất 80% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sử dụng ma túy, thanh niên là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, thanh niên vi phạm pháp luật được bồi dưỡng kỹ năng sống, lao động và hòa nhập cộng đồng. Tạo việc làm ổn định cho trên 20% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, sau cải tạo, thanh niên là người Việt Nam không có quốc tịch. Nâng cấp hệ thống các trường, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố đáp ứng ít nhất 80% các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội.

- Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên:  Hàng năm, có trên 85% thanh niên được trang bị kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần; dân số và phát triển; bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS (trong đó: tỷ lệ thanh niên là học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đạt 100%; tỷ lệ thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 90%); trên 90% thanh niên được cung cấp thông tin và tiếp cận các dịch vụ thân thiện về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; 90% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 100% nữ thanh niên được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản. 100% thanh niên là học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu; 100% thanh niên công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế được khám sức khỏe và chăm sóc y tế định kỳ.

- Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên: Hàng năm, có trên 90% thanh niên đô thị và 85% thanh niên ở nông thôn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng nơi học tập, làm việc và cư trú.

Phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 90% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số nhằm mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số.

- Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc: Hàng năm, có 100% thanh niên trong độ tuổi quy định của pháp luật, có đủ năng lực hành vi dân sự sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và lực lượng dân quân tự vệ.

Phấn đấu đến năm 2030, 20% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp sở, phòng và tương đương; 15% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo quản lý. 100% tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật, phát động phong trào và huy động thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Nâng cao lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ: Hàng năm, 100% thanh niên được tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa truyền thống; phấn đấu có 80% thanh niên được tham gia các hoạt động tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh niên.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

- Tăng cường cung cấp dịch vụ, hoạt động hỗ trợ thanh niên.

-  Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong thực hiện Chương trình; tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên; giao lưu thanh niên; tích cực, chủ động tham gia xây dựng, ký kết và thực hiện điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về thanh niên.

- Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong thực hiện Chương trình.

- Thành phố bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện Chương trình, trong đó, bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, kinh phí triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án, phát triển thanh niên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách thành phố.   

- Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Chương trình.

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn xã hội trong việc chăm lo, bồi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

Quang Hưng

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn