TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 24/01/2022 10:33

Bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người học  trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022.

Chăm sóc sức khỏe người học

1. Thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục.

2. Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

3. Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục.

4. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.

5. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Truyền thông, giáo dục sức khỏe

1. Nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe bao gồm: Các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh; bệnh, tật học đường; phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, ma túy, các chất gây nghiện và các nội dung khác về y tế.

2. Hình thức truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Thông qua các phương tiện truyền thông như: Loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, chiếu phim;

- Truyền thông theo nhóm người học trên cơ sở phân loại phù hợp với từng loại hình đào tạo và quy mô đào tạo;

- Truyền thông cá nhân cho người học;

- Truyền thông trong các sự kiện: Tổ chức các cuộc thi về giáo dục sức khỏe; các buổi văn nghệ, hoạt động văn hóa, thể thao và lồng ghép các nội dung về sức khỏe trường học trong các sự kiện khác của cơ sở giáo dục;

- Lồng ghép trong các giờ giảng, chương trình ngoại khóa của cơ sở giáo dục;

- Cấp phát các sản phẩm, tài liệu truyền thông cho người học;

- Tổ chức các hình thức truyền thông, giáo dục sức khỏe khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế trường học trong cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

Bảo đảm vệ sinh trường học

1. Cơ sở giáo dục phải đáp ứng các yêu cầu vệ sinh chung, khu chức năng, phòng học trong học tập và giảng dạy theo các tiêu chuẩn thiết kế.

2. Mức chiếu sáng tại phòng học và các phòng, khu chức năng trong cơ sở giáo dục bảo đảm theo quy định.

3. Phòng thí nghiệm, thực nghiệm, khu, xưởng thực hành phải bảo đảm quy định về tiếng ồn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bảo đảm quy định về vi khí hậu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

4. Phòng thí nghiệm, thực nghiệm, khu, xưởng thực hành phục vụ dạy và học ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người học theo quy định.

5. Nước uống phải bảo đảm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

6. Nước sinh hoạt sử dụng từ các đơn vị cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt hoặc tự khai thác phải bảo đảm tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

7. Nhà tiêu bảo đảm hợp vệ sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

8. Bố trí thùng rác và thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt bảo đảm theo quy định.

9. Khu ký túc xá, nơi ở nội trú, bán trú cho người học phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh chung, cấp thoát nước, nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, phòng chống dịch theo quy định.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

1. Cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú

a) Bếp ăn, nhà ăn, căng tin phục vụ ăn uống trong cơ sở giáo dục tuân thủ theo quy định;

b) Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định.

2. Cơ sở giáo dục không tổ chức tự nấu ăn nội trú, bán trú

a) Cơ sở có thể ký hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở có thể ký hợp đồng với cơ sở nấu ăn đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật để tổ chức nhà ăn, bếp ăn tại cơ sở giáo dục.

Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học

1. Cơ sở giáo dục bố trí phòng riêng ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học; có trang thiết bị tối thiểu gồm giường khám bệnh, tủ dựng trang thiết bị y tế, tủ dựng thuốc và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục bố trí nhân viên y tế trường học trình độ chuyên môn y tế từ trung cấp trở lên, được đào tạo, tập huấn về sơ cứu, cấp cứu và cập nhật kiến thức chuyên môn y tế. Trường hợp nhân viên y tế trường học trực tiếp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

3. Trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được nhân viên y tế trường học thì hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc với cá nhân đủ tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này để thực hiện công tác y tế trường học.

Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

a) Tổ chức, chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác y tế trường học theo quy định theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý;

b) Lập dự toán, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện công tác y tế trường học gửi Sở Tài chính phê duyệt;

c) Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế trường học.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

a) Tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định;

b) Xây dựng kế hoạch công tác y tế trường học hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung công tác y tế trường học;

c) Bố trí nhân viên y tế trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện thực hiện công tác y tế trường học;

d) Bố trí kinh phí, thực hiện thanh toán, quyết toán công tác y tế trường học theo quy định của pháp luật;

đ) Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến về công tác y tế trường học trong các giờ giảng, chương trình ngoại khóa của cơ sở giáo dục;

e) Cử nhân viên y tế trường học tham dự tập huấn chuyên môn về công tác y tế trường học;

g) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hoạt động y tế trường học và phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục;

h) Thực hiện việc báo cáo công tác y tế trường học gửi về Sở Y tế trước ngày 16 tháng 12 của năm báo cáo và thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trách nhiệm của nhân viên y tế trường học

a) Thực hiện các nội dung chuyên môn về công tác y tế trường học theo quy định;

b) Tham mưu cho cơ sở giáo dục về việc xây dựng kế hoạch công tác y tế trường học hàng năm;

c) Tham gia tập huấn chuyên môn về công tác y tế trường học;

d) Sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học;

đ) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác y tế trường học.

 LP

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn