TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 06/01/2021 16:16

Để đón xuân Tân Sửu an toàn - Người dân cần hiểu đúng về việc sử dụng pháo hoa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Nghị định 137 có nhiều điểm mới so với Nghị định số 36. Trong đó, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, trong Nghị định này cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so với 4 hành vi chung chung như trước đây. 

Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin liên quan Nghị định 137 tỏ ra ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Vấn đề này, trước hết người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Cần biết, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng. Nếu người dân sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.  Ngoài ra, Nghị định 137 cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên và đủ  năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Trên thực tế, so với quy định trước đây tại Nghị định 36 thì Nghị định 137 vẫn giữ nguyên quy định và không cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa nổ vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… mà chỉ quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc sử dụng pháo hoa nổ vào các ngày lễ, tết các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao của dân tộc. Đối với loại pháo hoa thông thường vẫn được người dân sử dụng vào các dịp đám cưới, sinh nhật… tại Nghị định 137, chính thức được định nghĩa cụ thể và đưa vào Nghị định để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn. Đối với pháo hoa nổ, Nghị định cũng quy định rõ ràng đối với cá nhân, tổ chức được sử dụng và thời gian sử dụng cụ thể.

Nghị định số 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Do đó, để Nghị định số 137 được thực hiện hiệu quả, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo; có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép... tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc.

Thu Huyền

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn