TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/05/2022 14:49

Mô hình quản lý du lịch quốc gia: Cơ sở pháp lý góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển

 Ngày 19/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2022.

Tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia là tổ chức được thành lập và có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý khu du lịch quốc gia.

Doanh nghiệp đầu tư hình thành khu du lịch quốc gia là doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác khu du lịch quốc gia được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Dịch vụ hỗ trợ phát triển khu du lịch quốc gia là các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu du lịch quốc gia do tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia cung cấp.

Ban quản lý chuyên ngành là các Ban quản lý được thành lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, thủy sản và các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

Các loại hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia bao gồm:

- Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ.

- Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

- Doanh nghiệp đầu tư hình thành khu du lịch quốc gia.

Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu du lịch quốc gia lựa chọn và tổ chức thực hiện thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý thuộc một trong những trường hợp sau đây:

- Thành lập mới hoặc tổ chức lại Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý khu du lịch quốc gia;

- Tổ chức lại Ban quản lý chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý khu du lịch quốc gia và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý trong trường hợp khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

3. Ban quản lý khu du lịch quốc gia được thành lập hoặc tổ chức lại sau khi khu du lịch quốc gia được công nhận theo quy định của Luật Du lịch.

4. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho Ban quản lý khu du lịch quốc gia quản lý một hoặc nhiều khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

5. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu du lịch quốc gia thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể Ban quản lý khu du lịch quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Doanh nghiệp đầu tư hình thành khu du lịch quốc gia

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp đầu tư hình thành khu du lịch quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Nhiệm vụ, quyền hạn phục vụ quản lý nhà nước

- Nghiên cứu, xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển khu du lịch quốc gia dài hạn, trung hạn, hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; các chủ trương, chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào khu du lịch quốc gia; các chương trình, dự án đầu tư phát triển trong khu du lịch quốc gia bảo đảm phù hợp với các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh; định mức, khung giá của dịch vụ hỗ trợ phát triển khu du lịch quốc gia;

- Nghiên cứu, xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý đối với khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia với Ban quản lý chuyên ngành (nếu có);

- Tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi khu du lịch quốc gia;

- Quản lý, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia; quản lý hoạt động của hướng dẫn viên du lịch tại điểm; lập biên bản ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng hoặc phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển, bảo vệ, bảo tồn nâng cao giá trị, đa dạng hoá tài nguyên du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm trật tự, an toàn cho khách du lịch, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vệ sinh môi trường; phục vụ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh; không để xảy ra sai phạm liên quan tới công tác quản lý trong phạm vi khu du lịch quốc gia;

- Ban hành và phổ biến, hướng dẫn thực hiện nội quy, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án ứng phó với sự cố môi trường, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trong khu du lịch quốc gia;

- Nghiên cứu, đánh giá, xác định sức chứa của khu du lịch quốc gia để quản lý và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cung cấp dịch vụ công

- Tổ chức, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển khu du lịch quốc gia; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia;

- Nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu của khu du lịch quốc gia; chương trình hợp tác quốc tế; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá khu du lịch quốc gia tới thị trường trong nước và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch;

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ du lịch, văn hóa, ứng xử, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên của Ban quản lý và nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia;

- Tổ chức hoạt động trung tâm hỗ trợ du khách, cung cấp thông tin trong phạm vi khu du lịch quốc gia; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn; tiếp nhận giải quyết khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, đề xuất, góp ý của khách du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia;

- Thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí thăm quan, phí dịch vụ hỗ trợ phát triển khu du lịch quốc gia, các khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, cho thuê tài sản và các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

- Quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao, thực hiện quản lý ngân sách được phân bổ hàng năm và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện một số nhiệm vụ liên quan khác theo quy định.

Cơ chế phối hợp của Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Ban quản lý làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia;

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp với Ban quản lý trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn khu du lịch quốc gia phối hợp với Ban quản lý thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật;

- Ban quản lý khu du lịch quốc gia chủ trì, phối hợp với Ban quản lý chuyên ngành để xây dựng Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia.

Cơ chế phối hợp trong quản lý khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có phần diện tích khu du lịch quốc gia lớn hơn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn lại xây dựng Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia;

- Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu du lịch quốc gia ký kết thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cơ chế tài chính

1. Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia do Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Xây dựng đề án và trình Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý;

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý thực hiện quản lý khu du lịch quốc gia;

- Bảo đảm duy trì các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia;

- Chủ trì hoặc phối hợp với tỉnh còn lại xây dựng, thống nhất ban hành Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia gửi dự thảo văn bản đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cho ý kiến;

- Chỉ đạo Ban quản lý khu du lịch quốc gia phối hợp với Ban quản lý chuyên ngành xây dựng và thống nhất ban hành Quy chế phối hợp quản lý khu du lịch quốc gia trên địa bàn.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu du lịch quốc gia

Có trách nhiệm phối hợp với tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với khu du lịch quốc gia trên địa bàn;

- Phối hợp với tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia trong thực hiện công tác quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia;

- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá khu du lịch quốc gia trong chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm;

- Chủ trì, phối hợp tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về du lịch của tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia;

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khác có liên quan

- Chủ trì, phối hợp tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý ngành trong phạm vi khu du lịch quốc gia và hoạt động của tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong khu du lịch quốc gia có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy của khu du lịch quốc gia; giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự và bảo vệ tài nguyên du lịch trong khu du lịch quốc gia.

Minh An

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn