TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 14/09/2022 15:50

Một số điều cần biết về thanh tra lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010, thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Từ quy định trên, thanh tra lao động có thể được hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực lao động đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nội dung thanh tra lao động

Điều 214 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nội dung thanh tra lao động bao gồm:

- Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động.

- Điều tra tai nạn lao động và vi phạm an toàn, vệ sinh lao động.

- Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật.

- Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về lao động.

- Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật lao động, cụ thể:

+ Việc chấp hành các nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;

+ Hợp đồng lao động;

+ Học nghề, tập nghề;

+ Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể;

+ Tiền lương;

+ Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi;

+ Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;

+ Việc thực hiện những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số loại lao động khác;

+ Việc thực hiện các quy định khác của pháp luật lao động.

- Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể:

+ Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động;

+ Các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với một số lao động đặc thù;

+ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh;

+ Hoạt động của các tổ chức dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động.

Cơ quan thực hiện thanh tra lao động

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội, cơ quan thực hiện thanh tra lao động bao gồm:

- Cơ quan thanh tra nhà nước:

+ Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

+ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

+ Cục Quản lý lao động ngoài nước;

+ Cục An toàn lao động.

Quyền của thanh tra lao động

Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Lao động năm 2019, thanh tra lao động có các quyền sau:

- Thanh tra, điều tra nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao theo quyết định thanh tra.

- Thanh tra đột xuất theo quyết định của người có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc thì không cần báo trước.

Xử lý vi phạm trong thanh tra lao động

Điều 217 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về xử lý vi phạm trong thanh tra lao động như sau:

- Người nào có hành vi vi phạm quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc;

Nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;

Người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngọc Châu

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn