TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 06/04/2023 15:57

Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố

Ngày 09/02/2023, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.

Đối tượng áp dụng là mọi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn thành phố Hải Phòng) và các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có hoạt động liên quan đến chất thải rắn phải chấp hành Quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

1. Nguyên tắc chung về quản lý chất thải rắn

- Coi chất thải là tài nguyên; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn, tăng cường quản lý chất thải rắn, thực hiện đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn.

- Việc quản lý chất thải rắn nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người; mọi hoạt động quản lý chất thải rắn phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc, nơi công cộng, nơi cư trú; thực hiện giảm thiểu các loại chất thải phát sinh; thực hiện phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử và thu hồi năng lượng; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

- Khuyến khích việc xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải rắn.

- Ngoài việc thực hiện Quy định này, việc thực hiện quản lý chất thải rắn phải tuân theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật khác liên quan.

2. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải; Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. (Theo khoản 19, khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

- Chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) phải được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình cá nhân.

- Việc lưu trữ, vận chuyển, xử lý CTRSH nguy hại được thực hiện theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

- Tiêu chí phân loại đạt là: Hỗn hợp nhóm chất thải thực phẩm hoặc nhóm chất thải còn lại được xem là phân loại đạt khi thành phần chất thải thực phẩm hoặc thành phần chất thải còn lại lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác (hoặc tỷ lệ khác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

3. Lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt

- CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau: Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ. Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi. Khuyến khích sử dụng túi ni lông phân hủy sinh học, bao bì thân thiện môi trường để thay thế các túi ni lông khó phân hủy để chứa CTRSH sau phân loại.

- Chủ đầu tư thực hiện xây dựng toà nhà cao tầng, khu chung cư, khu trung tâm thương mại kết hợp chung cư, khu trung tâm thương mại phải bố trí trong khuôn viên khu vực lưu chứa các loại CTRSH sau phân loại (bao gồm cả CTRSH nguy hại) đảm bảo thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân sinh hoạt tại các khu trên.

- Về lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng

+ Tại công viên, khu vui chơi, giải trình, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và những nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người phải bố trí các thiết bị lưu chứa CTRSH có dán nhãn trên nắp thùng, trên thân thùng bằng chữ in cho 3 nhóm: chất thải có thể tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác. Khuyến khích bổ sung các chữ nhỏ hoặc hình ảnh liệt kê cơ bản các loại chất thải rắn sinh hoạt bên dưới các chữ chất thải có thể tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác để thuận tiện cho việc người dân phân loại vào các thùng rác.

+ Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông.

+ Địa điểm, vị trí, khu vực bố trí các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại khu vực công cộng do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định, đảm bảo thuận thiện cho công tác thu gom, lưu giữ.

- Quy định màu sắc của bao bì, thiết bị đựng CTRSH sau phân loại như sau:

+ Màu xanh lá cây: sử dụng chứa rác thải thực phẩm.

+ Màu trắng/trong suốt: sử dụng chứa rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.

+ Màu vàng: sử dụng chứa rác thải sinh hoạt khác.

4. Thời gian, tần suất, phương thức chuyển giao, thu gom chất thải rắn sinh hoạt         

- Việc chuyển giao CTRSH phải tuân thủ quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường và các yêu cầu sau:

+ Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các bao bì/thiết bị lưu chứa CTRSH trước nhà chờ đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH đến lấy trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp).

+ Khu vực để sẵn bao bì/thiết bị lưu chứa CTRSH trước nhà phải gọn gàng, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, mỹ quan, không ảnh hưởng đến giao thông khu vực.

- Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp và thống nhất với đơn vị thu gom CTRSH để đơn vị thực hiện xây dựng quy trình thu gom phù hợp về thời gian hoạt động và hình thức thu gom rác thải trên địa bàn và thông báo với cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải khi đến lấy CTRSH.

- Trường hợp cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải không có điều kiện chuyển giao CTRSH cho đơn vị thu gom CTRSH theo đúng thời gian quy định hoặc tại khu vực mà phương tiện thu gom của đơn vị thu gom không thể tiếp cận thì Ủy ban nhân dân cấp xã xác định vị trí đặt thùng để lưu chứa có dung tích phù hợp, thu gom tập trung chất thải của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải này.

- Tần suất thu gom

+ CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế: Các hộ gia đình, cá nhân chủ động chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

+ Chất thải thực phẩm và các CTRSH khác: Đối với khu vực đông dân cư và trong khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, tần suất thu gom không quá 24h. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom không quá 48h.

+ Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, điều kiện cung ứng dịch vụ thực tế và ý kiến của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom CTRSH và tổ trưởng tổ dân phố/khu phố/ban quản lý chung cư/trưởng thôn, xóm xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH phù hợp.

5. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Việc thu gom, vận chuyển CTRSH được thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Đơn vị thu gom, vận chuyển có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, phương tiện phù hợp tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH đã được phân loại; hạn chế vận chuyển CTRSH trong giờ cao điểm (trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương); không tập kết xe gom, xe vận chuyển tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông.

- Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển CTRSH thực hiện theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Ngoài thực hiện các quy định này, yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố như sau:

+ Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm có biển báo được in hoa màu vàng cao ít nhất 15cm  bên 2 thành phương tiện với dòng chữ: thu gom chất thải thực phẩm

+ Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt khác có biển báo được in hoa màu vàng cao ít nhất 15cm bên 2 thành phương tiện với dòng chữ: thu gom chất thải sinh hoạt khác.

+ Trường hợp phương tiện thu gom chung 2 nhóm chất thải (chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác) phải bố trí 2 ngăn chứa riêng biệt đối với 2 nhóm CTRSH sau khi phân loại, có biển báo với dòng chữ: thu gom chất thải thực phẩm và thu gom chất thải sinh hoạt khác.

- Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Ủy ban nhân dân cấp xã xác định, bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH phải có khu vực lưu giữ CTRSH được phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và CTRSH nguy hại đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Những khu vực có phát sinh CTRSH (bao gồm cả chất thải rắn cồng kềnh và CTRSH có trộn lẫn chất thải rắn xây dựng) không đúng nơi quy định, tồn lưu nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường hoặc mất mỹ quan khu vực thì quản lý như sau:

+ Đối với khu vực đất thuộc quyền sử dụng, quản lý của cá nhân, tổ chức: cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm quản lý CTRSH theo các quy định hiện hành; trong trường hợp để tồn đọng và phát sinh CTRSH trên các khu đất này thì phải chịu trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển và phun xịt khử mùi (nếu cần) trong vòng 36 giờ từ khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương.

+ Đối với khu vực đất do nhà nước quản lý: Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn quản lý tổ chức thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần), chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường.

6. Chuyển giao, vận chuyển, điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh

- Chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây. Chất thải rắn cồng kềnh không được bỏ chung vào CTRSH thông thường, được quản lý như CTRSH.

- Đối với chất thải rắn cồng kềnh không thể tái sử dụng trực tiếp, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có trách nhiệm tháo bỏ các phụ liệu đi kèm như gương, kính, mảnh kim loại, bản lề, bảng điều khiển và phân nhóm các phụ liệu đi kèm vào các nhóm chất thải tương ứng theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; sắp xếp gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường để chuyển giao cho cơ sở thu gom hoặc nơi tiếp nhận (điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH hoặc điểm tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cồng kềnh).

- Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH xác định, bố trí ít nhất 01 (một) điểm tập kết trên địa bàn (có mái che đảm bảo che nắng, che mưa) tiếp nhận để lưu giữ chất thải cồng kềnh phát sinh từ các hộ gia đình/cá nhân; thông báo số điện thoại liên hệ của đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để các hộ gia đình/cá nhân biết, chủ động liên hệ, chuyển giao khi phát sinh chất thải rắn cồng kềnh.

7. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hoặc chất cải tạo đất trồng trọt, làm thức ăn chăn nuôi.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh CTRSH với khối lượng nhỏ hơn 300kg/ngày sử dụng chất thải thực phẩm để làm phân bón hoặc chất cải tạo đất trồng trọt cho cây xanh trong khuôn viên của đơn vị, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định khác liên quan. Công nghệ xử lý CTRSH được lựa chọn theo các tiêu chí quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

- Căn cứ tính chất của từng loại chất thải cồng kềnh sau khi phân rã, thực hiện phân loại để xử lý riêng từng loại như đối với CTRSH theo Khoản 1 Điều này.

- Căn cứ công nghệ xử lý, khả năng tiếp nhận của các khu xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều phối việc xử lý CTRSH tại các khu xử lý cho phù hợp.

Đình Nguyễn

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn