TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/11/2022 16:06

Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025

Ngày 19/10/2022, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Mục đích Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các cấp của hệ công tác (Bộ, tỉnh, huyện, xã) trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; góp phần ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Nội dung Chương trình phối hợp:

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên. Xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên các cấp.

- Chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông” và tiếp tục triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên toàn quốc.

- Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và đại học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.

- Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn, huấn luyện học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: phòng chống đuối nước; đi bộ, sang đường; đi phà, đi thuyền; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; ngồi trên ô tô đi học, thăm quan, dã ngoại an toàn và thoát hiểm khi gặp các tình huống giao thông nguy hiểm mà không có người trợ giúp.

Triển khai thực hiện Chương trình:

Bộ Công an thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình hình trật tự an toàn giao thông, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan về trật tự an toàn giao thông cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về trật tự an toàn giao thông; biểu dương, khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông,

- Chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát các điều kiện đảm bảo về trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường; triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên phạm vi cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các đơn vị, địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên phạm vi cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các đơn vị, địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; năm 2030 triển khai nhân rộng trên toàn bộ các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy về trật tự an toàn giao thông cho các cấp học phù hợp với đúng tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; lựa chọn áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HSSV.

- Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng, Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường trên địa bàn rà soát, kiến nghị khắc phục những bất cập về trật tự an toàn giao thông, triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường học; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tập huấn, phân cấp cho lực lượng Công an cấp xã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn phụ trách; lực lượng Công an cấp huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho các cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; lực lượng Công an cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho trung học nghề, cao đẳng, đại học và tương đương. Đảm bảo trong mỗi kỳ học tổ chức từ 02 buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông /01 cơ sở giáo dục trở lên; chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại địa phương; Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an xã tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học theo thẩm quyền...

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức về trật tự an toàn giao thông trong trường học; triển khai chương trình giảng dạy về trật tự an toàn giao thông tại các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả về trật tự an toàn giao thông.

Đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, đại học; tăng thêm thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế, đảm bảo thời lượng tối thiểu 5 tiết/01 học kỳ đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/01 học kỳ đối với học sinh các lớp khác; giáo dục trật tự an toàn giao thông cho trẻ mầm non.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định, bảo đảm an toàn trong việc tổ chức đưa, đón học sinh bằng xe ô tô; nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng Công an nhân dân triển khai hoạt động tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông; phối hợp triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Tổ chức Lễ ra quân phát động các cơ sở giáo dục và ký giao ước thi đua giữa các nhà trường, cơ sở giáo dục với Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông...

Phát động học sinh, sinh viên ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông, gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chủ động nhường đường; thân thiện với người đồng hành; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông; sử dụng còi đèn chiếu sáng phù hợp; sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; mặc áo phao khi đi đò; quan sát khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt... Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề tuyên truyền, giáo dục và đánh giá về công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông trong trường học.

Huy Quang

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn