TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/12/2020 14:42

LẠI CHUYỆN NẾP, TẺ!

Hình ảnh minh họa

Thưa cùng quý vị!

“Trọng nam, khinh nữ” là một tư tưởng phân biệt đối xử theo giới tính, trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực châu Á.

Mặc dù hiện nay, quyền phụ nữ được công nhận nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo. Không ít người vẫn còn mang nặng tư tưởng này và thể hiện ở những mức độ khác nhau. Việt Nam là đất nước bị ảnh hưởng khá sâu sắc bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa: một con trai cũng là có nhưng mười con gái vẫn coi là không, thể hiện suy nghĩ lạc hậu. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa và thậm chí cả ngày nay vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai hơn con gái. Họ quan niệm: Nếu không có con trai nối dõi sẽ bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người thờ cúng. Thế nên rất nhiều các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai. 

Theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho thấy, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất hiện nay là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Hải Phòng nằm trong số những địa phương có tỷ lệ sinh con trai cao.

Mặt khác, trong xã hội hiện nay, chuyện vô sinh không phải là hiếm. Nhiều cặp vợ chồng khát khao mong mỏi, chạy chữa khắp nơi mong  có được một “mụn” con cho vui cửa, vui nhà. Thậm chí, nhiều người không thể đồng cảm trên con đường tìm kiếm ấy đã phải chia tay nhau. Những ai trong hoàn cảnh đang mong mỏi con như vậy mới hiểu được sự khát khao con cháy bỏng đến thế nào. Ấy vậy mà, trớ trêu thay, với một số gia đình được “trời” ban con gái lại không trân trọng, nâng niu mà phải cố mọi cách để có được con trai.

Tiểu phẩm pháp luật “Lại chuyện nếp tẻ” dưới đây là một minh chứng điển hình cũng là bài học phê phán đối với những gia đình vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

I. Nhân vật:

- Chị Duyên (vợ anh  Nhân)

- Anh Nhân (chồng chị Duyên)

- Chị Hương (Cán bộ Hội Phụ nữ, hòa giải viên)

- Ông Linh (Trưởng thôn)

- Ông Đức (bố anh Nhân)

II. Nội dung tiểu phẩm:

Chuyện xảy ra tại nhà anh Nhân. Vợ anh-chị Duyên- tuy còn trẻ nhưng trông khá gầy gò và già trước tuổi với một bên mắt sưng tím thâm quầng đang cặm cụi đun nước dưới bếp, vừa làm vừa khóc. Từ ngoài ngõ, chị Hương- một cán bộ Hội Phụ nữ, hòa giải viên của thôn- đi vào.

  Phần 1.

Chị Hương: Cô Duyên ơi! Cô chuẩn bị xong chưa? Đến giờ đi họp Hội Phụ nữ rồi đấy!

Duyên: (Lau vội nước mắt) Chị Hương đấy à. Em chào chị!

Chị Hương: Tôi qua rủ cô cùng đi sinh hoạt chi hội. Mắt cô bị làm sao mà thâm quầng thế?

Duyên: Chị Hương ơi! Em không đi nữa đâu, em buồn quá. Chồng em cấm em đi sinh hoạt Câu lạc bộ của Hội Phụ nữ chị ạ. Anh ấy và bố mẹ chồng bắt em phải đẻ thêm đứa con trai. Bố mẹ chồng em còn tuyên bố nếu không đẻ được con trai thì chồng em phải lấy vợ hai để sinh cháu đích tôn cho ông bà. Mà em thì tuổi đã cao rồi, sức khỏe lại yếu và kinh tế gia đình đâu có dư dả gì nên em nhất định không đẻ. Đẻ thêm chắc gì đã được con trai hả chị.

Chị Hương: Tôi cũng đồng ý với cô đấy. Này, tôi hỏi thật nhé, có phải tháng trước, mặt cô cũng bị sưng tím thế này là do chú ấy đánh cô có phải không?

Duyên: Chị...! Em khổ tâm lắm chị ạ mà nhiều khi không dám tâm sự với ai. Chị là hội trưởng Hội Phụ nữ của xã lại là hòa giải viên, chị có cách gì giúp em với. Nếu không, em đành xin ly hôn vậy.

Chị Hương: Cô đừng có nghĩ quẩn như vậy. Nếu có khó khăn thì cứ từ từ rồi tìm cách tháo gỡ dần. Hội Phụ nữ mình đang có chương trình cho chị em vay vốn phát triển sản xuất. Cô cũng trong diện được cho vay đấy. Mình phải có nghị lực thì mới vươn lên được. Còn với chồng cô, phải có cách động viên, thuyết phục để chú ấy hiểu. À, tôi nghĩ ra rồi. Tôi biết bố, mẹ chồng cô rất nể trọng ông Linh trưởng thôn. Chúng ta phải nhờ ông ấy giúp cho mới được.

Duyên: Vâng! Thế thì tốt quá. Chị giúp cho em với nhé!

Chị Hương (gật đầu):… Được rồi, để tôi đi đến gặp ông Linh hẵng nhé.

  Phần 2.

Nói rồi không đợi cho Duyên kịp hỏi thêm, chị Hương vội vã đi luôn… Duyên nhìn theo chị rồi lại quay lại với công việc của mình. Vừa lúc đó, bố chồng cô là ông Đức đi ăn cỗ ở làng bên về. Nhìn thấy Nhân ngồi uống nước một mình, ông liền hỏi:

Ông Đức: Mày ở nhà à?

Nhân: Vâng, bố đi đâu về thế?

Ông Đức: Tao đi ăn đầy tháng cháu đích tôn nhà ông Trung. Ông ấy sướng thật, kém tao vài tuổi mà đã có cháu đích tôn nối dõi tông đường... Chẳng như tao thì... Còn anh, anh đã bảo vợ anh chưa?

Nhân: Con bảo nhiều lần rồi nhưng vợ con không nghe.

Ông Đức: Nó không nghe thì lấy thêm vợ nữa. Tôi sẽ lo tiền cho anh cưới vợ.

Nhân nghe vậy đang trầm ngâm nghĩ ngợi thì Ông Linh trưởng thôn và chị Hương bước vào nhà.

Ông Linh: Chào cả nhà.

Chị Hương: Cháu chào bác Đức, chào chú Nhân.

Ông Đức: Chào ông trưởng thôn, chào chị Hương. Mời ông với chị vào nhà tôi chơi.

Nhân: Hôm nay bác Đức với chị đi đâu mà lại qua đây?

Ông Linh: Chúng tôi đi thăm bà Thảo, bà ấy bị ốm.

Nhân:  À, con trai bà ấy mới bị công an bắt. Có khi bà ấy lo buồn quá mà phát ốm lên đấy.

Ông Đức: Thế mà tao không biết. Nhưng nó làm sao mà bị bắt?

Nhân:  Thì nó dính đến ma túy mà ông.

Ông Đức: Cái thằng…, thật là hư đốn quá. Hơn 20 tuổi rồi mà lêu lổng suốt ngày, chẳng học hành, chẳng công ăn việc làm gì, lại còn nghiện ngập, mua bán ma túy nữa chứ... Thật tội cho bà Thảo quá! Có độc thằng con trai mà khổ thế! Bao nhiêu của nả ky cóp được cũng dần “đội nón ra đi” với thằng “đích tôn” ấy. Cũng may bà ấy còn có con Hiền làm giáo viên ở trường mầm non trên phố huyện thường xuyên về chăm lo, săn sóc mẹ. Tôi mà lâm vào cảnh ấy, chắc chết cho khỏi nghĩ ngợi buồn phiền.

Ông Linh: Vâng, nếu cứ trông vào anh con trai kia thì chết cũng không nhắm được mắt thật.

Ông Đức: Đúng thế đấy ông ạ! Con Hiền thì quá tốt, quá ngoan. Có đứa con gái như thế thật mát mặt ông nhỉ!

Ông Linh: Thế mà có người lại không cần con gái chỉ cần con trai thôi.

Ông Đức: Ai vậy hả ông?

Ông Linh: Nói thực với ông, tôi và chị Hương qua đây cũng vì chuyện đó. Tôi có nghe nói về chuyện anh Nhân con ông hay đánh chửi vợ chỉ vì chị Duyên không chịu sinh thêm cho anh ấy một đứa con trai. Rồi cả ông bà cũng hằn gắt con dâu, áp lực bắt cháu Duyên sinh thêm con… Chuyện đó có đúng không ông?

Ông Đức: (gãi đầu): thì...

Cả nhà lặng im

Ông Linh (nói tiếp): Nhà nước ta đã có chính sách vận động, khuyến khích các gia đình hực hiện kế hoạch hóa gia đình. Mỗi gia đình có hai con là đủ rồi ông ạ để còn tập trung nuôi dạy các cháu cho tốt. Chưa kể, anh Nhân đánh đập vợ là hoàn toàn sai. Đó là hành vi bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm, thậm chí có thể còn vi phạm các quy định của pháp luật hình sự nữa đó.

Đây! Tôi đã nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật và mang cho ông xem cùng. Ông nghe tôi đọc nhé:

Điều 49, Điều 50, Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình...

Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi nêu trên mà còn vi phạm, căn cứ theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nhân (gãi đầu): Dạ...!

Ông Linh: Anh Nhân cấm chị Duyên không được tham gia vào hoạt động xã hội là vi phạm các quy định về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Chị em họ tham gia các Câu lạc bộ để bảo nhau làm ăn kinh tế, cùng nhau tiến bộ là tốt chứ sao.

(Rồi quay sang ông Đức): Tôi còn nghe nói, nhưng cũng chưa tin hẳn, rằng ông tuyên bố lấy vợ hai cho anh Nhân, có phải vậy không? Nếu như vậy là không được đâu ông ạ. Pháp luật nước ta chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thôi ông ơi. Vi phạm quy định này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự nữa đấy. Tôi nói vậy có phải không chị Hương?

Chị Hương: Thưa bác Đức, bác Linh nói đúng đấy ạ! Cháu xin đọc quy định tại Điều 181 của Bộ luật Hình sự hiện hành để cả nhà mình cùng nghe nhé:

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Ông Linh: Mà không chỉ về pháp luật thôi đâu, xét về góc độ đạo đức thì tình nghĩa vợ chồng cũng cần được nâng niu, trân trọng. Một ngày là vợ chồng cũng là tình, là nghĩa, huống chi anh, chị đã có với nhau hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, lẽ nào anh không thương chị ấy... Tôi nói vậy có phải không anh Nhân?

Nhân (Lặng im, cúi xuống không dám nhìn bác Linh).

Ông Linh: Các cụ ta đã có câu: “Trai mà chi, gái mà chi, con nào có nghĩa có nghì là hơn”. (Quay sang ông Đức) Chỉ vì thích cháu trai mà ông, bà nỡ đẩy gia đình các con đến tình cảnh tan vỡ hay sao. Ông là người hiểu biết, thôn làng ai cũng quý trọng ông thì không có lý nào ông lại để việc đó xảy ra trong gia đình mình, phải không ông?

Ông Đức: Tôi... tôi...

Chị Hương: Con nào chẳng là con, cháu nào chẳng là cháu, miễn là nó hiếu thuận với ông bà, cha mẹ thì gái hay trai đều quý bác nhỉ. Cứ nhìn hoàn cảnh gia đình bà Thảo là thấy, nếu không có chị Hiền thì bà Thảo biết trông cậy vào đâu.

Ông Nhân: Chết thật…Ông trưởng thôn và chị Hương nói “cái lý”, “cái tình” đúng quá… Chúng tôi bị tư tưởng xưa cũ “trọng nam khinh nữ” làm mờ cả mắt mất rồi… Thật tình, chúng tôi cũng chỉ định “đe” vậy thôi để cháu Duyên chịu sinh con, chứ ai nỡ làm vậy. Thôi từ nay, chúng tôi sẽ không ép vợ chồng cháu Duyên sinh thêm con trai, cũng không dọa cưới vợ hai gì nữa ông ạ.

Ông Linh: Thế anh Nhân thì sao?

Nhân: Vâng, cháu đã nghe, đã hiểu rồi mà… Cảm ơn bác trưởng thôn, cảm ơn chị Hương nhiều ạ!

Ông Đức: Duyên ơi, con mang nước ra đây để bố mời bác trưởng thôn và chị Hương nào.

Duyên:…Vâng, con mang lên ngay ạ!

Tất cả đều cười vui vẻ.

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn