TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 24/03/2022 16:15

Tìm hiểu một số quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Phần 1)

 1. Quyền không bị tra tấn có phải là một trong các quyền cơ bản của con người được pháp luật quốc tế công nhận?

Theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Pa-ri, Cộng hòa Pháp, các quyền cơ bản của con người gồm: quyền tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền không bị phân biệt, đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay quan điểm khác, dân tộc hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nòi giống hay các vấn đề khác; quyền được sống, không bị bắt làm nô lệ và nô dịch; không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; quyền được thừa nhận tư cách như một con người trước pháp luật ở bất cứ nơi nào; quyền được xét xử theo pháp luật; quyền được tự do không bị bắt giữ vô cớ, bị giam cầm hoặc đầy ải; quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập, không thiên vị; quyền được coi là vô tội cho đến khi hành vi phạm tội được chứng minh; tự do không bị can thiệp vô cớ vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín; tự do cư trú và thay đổi nơi ở; quyền được tỵ nạn; quyền có quốc tịch; quyền được kết hôn và xây dựng gia đình; quyền được sở hữu tư nhân về tài sản; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; tự do ý kiến và biểu đạt; quyền được lập hội và hội họp hòa bình… Như vậy, quyền không bị tra tấn được pháp luật quốc tế công nhận là một trong các quyền cơ bản của con người.

2. Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về chống tra tấn. Vậy việc nội luật hóa các quy định của Công ước được thể hiện như thế nào?

Việt Nam gia nhập Công ước chống tra tấn từ năm 1982, từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực nội luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để phù hợp với quy định của Công ước chống tra tấn.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mọi người không bị tra tấn, bạo lực với việc bổ sung nội dung này trong quy định tại khoản 1 Điều 20, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tại một số văn bản luật được ban hành trong thời gian qua đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể để phù hợp với tinh thần của Công ước chống tra tấn. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tiếp tục quy định về hành vi dùng nhục hình, bức cung trong hoạt động tư pháp, đồng thời đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể để phù hợp với tinh thần của Công ước chống tra tấn.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các nguyên tắc: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về việc cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 4 và Điều 8).

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14)...

3. Việc bắt người được tiến hành trong trường hợp nào? Ai có thẩm quyền ra lệnh bắt người trong tố tụng hình sự?

Việc bắt người được tiến hành để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, pháp luật quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn có tính cưỡng chế như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, để chống lại sự lạm quyền hoặc cố ý vi phạm tới quyền con người được pháp luật bảo hộ, pháp luật đã quy định rất cụ thể, chặt chẽ việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn nhất định, phù hợp trong từng trường hợp. Khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử. Khi bắt, người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

4. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân được thể hiện như thế nào qua các bản Hiến pháp?

Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của Nhà nước ta như về thể chế chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường... Trong các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, và quy định này ngày càng được hoàn thiện theo tiến trình lịch sử lập hiến ở nước ta; cụ thể:

Điều 11 Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành vi tùy tiện trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam như sau: “tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật”. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trước việc thực hiện các hoạt động tư pháp của cơ quan, người có thẩm quyền, bao gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.

Đến Hiến pháp năm 1959, nguyên tắc này tiếp tục được kế thừa và phát triển, tại Điều 27, 28 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Toà án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.”

- Điều 69 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.”

- Điều 71 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi và bổ sung năm 2001 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm dnh dự, nhân phẩm của công dân”.

Quy định trên của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được kế thừa và bổ sung, hoàn thiện tại khoản 1 và khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”

5. Quyền sống là một quyền tối cao của con người. Quyền này được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật hình sự như thế nào?

Quyền sống là một quyền tự nhiên, tất yếu, vốn có của con người; là quyền quan trọng nhất đối với mỗi người, là cơ sở cho tất cả các quyền con người. Ở Việt Nam, ngay Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trên thực tiễn, quyền sống được Nhà nước Việt Nam ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và trong các đạo luật chuyên ngành trước đây thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền sống đã được nêu trực tiếp tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 về quyền sống của cá nhân: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai được tước đoạt tính mạng trái luật”.

Trong pháp luật hình sự, quyền này được thể hiện rõ nhất thông qua việc quy định về hình phạt tử hình. Theo đó, các tội danh hiện còn áp dụng hình phạt tử hình theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Giết người (Điều 123); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Chống loài người (Điều 422); Tội phạm chiến tranh (Điều 423); Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Bạo loạn (Điều 112); Gián điệp (Điều 110); Khủng bố (Điều 299); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250).

6. Thứ tự người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-     VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự.

Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây:

a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;

b) Người giám hộ;

c) Người do Tòa án chỉ định.

7. Ngày 10/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T ra quyết định khởi tố bị can đối với P về tội giết người. Ngày 13/7/2018, trong khi Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra vụ án thì K đã đến Công an tỉnh T đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết bà L để cướp tài sản. Đến ngày, 30/8/2018, anh P được trả tự do và đã có đơn tố cáo Điều tra viên A của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh P đã có hành vi dùng nhục hình đối với mình. Đề nghị cho biết, nếu tố cáo của anh P là đúng thì anh có được bồi thường không?

Điều 14 Công ước chống tra tấn quy định về quyền được bồi thường thiệt hại của các nạn nhân của hành vi tra tấn như sau:

“1. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng sự bồi thường.

2. Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp luật quốc gia.”

Theo pháp luật Việt Nam, theo quy định tại khoản 2 Điều 30, khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Cụ thể hóa quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự của người bị thiệt hại theo Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định:Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Căn cứ vào quy định trên của pháp luật, nếu việc tố cáo hành vi dùng nhục hình của điều tra viên A là đúng thì anh P sẽ được bồi thường theo quy định pháp luật.

8. Thông báo về hoạt động tố tụng trong trường hợp có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào?

Tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định về việc thông báo về hoạt động tố tụng như sau:

- Trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Việc thông báo cho gia đình của người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự; việc thông báo cho người đại diện của người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc thông báo các hoạt động tố tụng khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Việc thông báo phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người ra thông báo và người được thông báo. Trường hợp cần bảo đảm sự có mặt kịp thời của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản.

- Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi khi nhận được thông báo phải thông tin kịp thời về việc có mặt và tham gia tố tụng của họ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết.

9. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Để quy định về quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường gồm:

(i) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

(ii) Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

(iii) Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

(iv) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;

(v) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

(vi) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

(vii) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;

(viii) Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

(ix) Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

(x) Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp theo quy định.

10. Tháng 11/2017, L bị khởi tố, truy tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Qua hai cấp xét xử là sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận T và phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố H. Tháng 6/2018, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đã ra quyết định đình chỉ đối với L vì hành vi của L không cấu thành tội phạm. Đến tháng 8/2018, L chính thức được các cơ quan tố tụng xác định bị oan. Vậy trong trường hợp này quyền và lợi ích hợp pháp của L được khôi phục như thế nào?

Để phù hợp với Điều 14 Công ước chống tra tấn về quyền được yêu cầu bồi thường và được bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định các loại thiệt hại được bồi thường cho người bị thiệt hại; cụ thể: về tài sản bị xâm phạm (Điều 23), thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25), thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26), thiệt hại về tinh thần (Điều 27) và các chi phí khác như thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại (Điều 28)… Bên cạnh việc quy định các loại thiệt hại được bồi thường nêu trên, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 29 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn quy định về việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại như sau:

(i) Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan;

(ii) Khôi phục quyền học tập;

(iii) Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Quy định này không chỉ thể hiện rõ quyền dân sự, chính trị của người bị thiệt hại mà còn bao gồm các quyền về kinh tế, xã hội như quyền được học tập, quyền được tham gia tổ chức xã hội.

Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại như L sẽ được khôi phục theo quy định pháp luật nêu trên.

11. Pháp luật quy định như thế nào nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự?

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, theo Điều 2 Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, một trong các nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt là chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố gắn với hoạt động điều tra và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong xử lý tội phạm; bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan, sai; khắc phục tình trạng buông lỏng trách nhiệm, thống nhất một chiều với Cơ quan điều tra trong phân loại, xử lý vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình.

12. Các biện pháp phòng chống tra trấn trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Các biện pháp phòng chống tra trấn trong tố tụng hình sự được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 146), trong hỏi cung bị can (Điều 183), trong lấy lời khai (các điều 187, 188, 442), trong đối chất (Điều 189), trong xét xử (Điều 258); đồng thời quy định về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 58, 59, 60, 61, 435).

Điều 313 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, trong quá trình xét xử và cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án hoặc Hội đồng xét xử nhận thấy có khả năng xảy ra hành vi bức cung, dùng nhục hình do lời tố cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử có thể quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ngay tại phiên tòa.

13. Pháp luật quy định như thế nào về điều kiện thụ lý khiếu nại trong tố tụng hình sự?

Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là người khiếu nại), theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo quy định cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý khiếu nại để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, nội dung khiếu nại là khiếu nại trong tố tụng hình sự; việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp:

a) Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn về một nội dung thì trong đơn có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

b) Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp, hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản.

- Thứ hai, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong thời hiệu theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự; trường hợp khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì thời hiệu khiếu nại là 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

- Thứ ba, khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Thứ tư, người khiếu nại phải có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình khiếu nại.

- Thứ năm, người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ chứng minh.

- Thứ sáu, khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn