TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 12/08/2021 10:19

Tìm hiểu một số quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.  Ngày 15/7/2020 Văn phòng Quốc hội có Văn bản số 23/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố giới thiệu một số quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp huyện, cấp xã.

I. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp huyện

1. Soạn thảo quyết định của UBND cấp huyện (Điều 138)

- Dự thảo quyết định của UBND cấp huyện do Chủ tịch UBND phân công và trực tiếp chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND soạn thảo. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo quyết định.

- Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định. Cơ quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo quyết định.

Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 07 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quyết định.

2. Thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp huyện (Điều 139)

- Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp huyện trước khi trình. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Phòng Tư pháp để thẩm định.

- Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

+ Tờ trình UBND về dự thảo quyết định; dự thảo quyết định;

+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; tài liệu khác (nếu có).

- Nội dung thẩm định bao gồm:

Sự cần thiết ban hành quyết định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo quyết định; sự phù hợp của nội dung dự thảo quyết định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo quyết định với hệ thống pháp luật; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành quyết định; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

- Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về nội dung thẩm và ý kiến về việc dự thảo quyết định đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình UBND. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Phòng Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo quyết định, đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Phòng Tư pháp khi trình UBND dự thảo quyết định.

3. Hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND cấp huyện (Điều 140)

- Cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến UBND cấp huyện chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND họp để chuyển đến các thành viên UBND.

- Hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND bao gồm:

+ Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định; dự thảo quyết định; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; tài liệu khác (nếu có).

+ Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định; dự thảo quyết định; báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

4. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định của UBND cấp huyện (Điều 141)

- Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phương thức xem xét, thông qua dự thảo quyết định. Trong trường hợp xem xét, thông qua dự thảo quyết định tại phiên họp UBND thì được tiến hành theo trình tự sau đây:

+ Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo quyết định;

+ Đại diện Phòng Tư pháp phát biểu về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; 

+ UBND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định.

- Dự thảo quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên UBND biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch UBND ký ban hành quyết định.

II. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã

1. Soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã (Điều 142)

- Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã do UBND cùng cấp tổ chức soạn thảo và trình Hội đồng nhân dân.

- Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Chủ tịch UBND tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, tổ dân phố, khu phố, khối phố về dự thảo nghị quyết bằng các hình thức thích hợp.

2. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã (Điều 143)

- Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp xã. Chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, UBND gửi tờ trình, dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan đến các đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được tiến hành theo trình tự sau đây:

+ Đại diện UBND thuyết trình dự thảo nghị quyết;

+ Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

+ Hội đồng nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

- Dự thảo nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực nghị quyết.

3. Soạn thảo quyết định của UBND cấp xã (Điều 144)

- Dự thảo quyết định của UBND cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức, chỉ đạo việc soạn thảo.

- Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, tổ dân phố, khu phố, khối phố và chỉnh lý dự thảo quyết định.

4. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định của UBND cấp xã (Điều 145)

- Tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo gửi tờ trình, dự thảo quyết định, bản tổng hợp ý kiến và các tài liệu có liên quan đến các thành viên UBND cấp xã chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND họp.

- Việc xem xét, thông qua dự thảo quyết định tại phiên họp UBND cấp xã được tiến hành theo trình tự sau đây:

+ Đại diện tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo trình bày dự thảo quyết định;

+ UBND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định.

- Dự thảo quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên UBND cấp xã biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch UBND cấp xã ký ban hành quyết định.

Minh Anh

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn