TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 19/09/2022 10:01

Yêu cầu về phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân

Ngày 06/9/2022, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 50/2022/QĐ-UBND quy định yêu cầu về phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng; theo đó:

Đối tượng áp dụng của Quy định: Các hộ gia đình, cá nhân sở hữu công trình, nhà ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Nguyên tắc bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai về công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân:

- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, gồm:

+ Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

+ Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

+ Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

+ Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

+ Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

- Tuân thủ các quy định về bảo trì, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình, nhà ở được quy định tại Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, vận hành và sử dụng công trình, nhà ở không làm gia tăng rủi ro thiên tai và xuất hiện thiên tai mới.

- Phát hiện và xử lý kịp thời, có hiệu quả sự cố công trình, nhà ở và các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Bảo đảm an toàn về người, trang thiết bị, an toàn công trình và khu vực lân cận do tác động của việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình, nhà ở.

Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm yêu cầu về phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu:

- Đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng:

+ Không xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển (khu vực có địa hình, địa chất không an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo).

+ Các khu vực thường xuyên xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc: Công trình, nhà ở phải được thiết kế để chịu được lực gây ra do gió mạnh; đảm bảo tối thiểu 2 trong 3 kết cấu chính là cột, tường và mái được làm bằng vật liệu bền chắc theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về phân loại nhà an toàn theo các cấp bão.

+ Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Công trình, nhà ở phải được thiết kế chắc chắn, có thể chịu được các lực nhất định do dòng chảy hoặc áp lực nước gây ra. Nền công trình, nhà ở phải cao hơn mức ngập lụt lớn nhất tại khu vực xây dựng hoặc có sàn chống lụt bảo đảm an toàn cho người và dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết; đối với nhà nổi phải đảm bảo chắc chắn, được neo giữ an toàn.

- Đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng: Phải lập và thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao (nếu có) trong mùa mưa bão.

- Đối với công trình, nhà ở hiện có:

+ Thường xuyên quan trắc biến dạng, đánh giá chất lượng của công trình, nhà ở và kiểm tra hệ thống điện, kịp thời có biện pháp khắc phục các sự cố phát sinh.

+ Trước mùa mưa bão phải kiểm tra, thực hiện việc gia cố, chằng chống cho công trình, nhà ở; cắt, tỉa cây xanh, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước khu vực xung quanh công trình, nhà ở để đảm bảo an toàn trong thiên tai.

+ Có phương án sơ tán người, tài sản và chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh của hộ gia đình, cá nhân khi xảy ra thiên tai, theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Các khu vực thường xuyên xảy ra sét: Phải lắp đặt hệ thống chống sét cho công trình, nhà ở.

Tổ chức thực hiện:

- Các hộ gia đình, cá nhân:

+ Có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu trên.

+ Khi phát hiện các hoạt động, hành vi và sự cố công trình có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhà ở hoặc làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai đối với công trình, nhà ở phải kịp thời thông tin, báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xử lý; chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

+ Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện các quy định về đảm bảo các yêu cầu phòng chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu.

+ Tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về rủi ro thiên tai để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đảm bảo an toàn cho gia đình, cá nhân và cộng đồng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này; tổng hợp kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

+ Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân.

- Sở Xây dựng:

+ Chủ trì thực hiện rà soát, bổ sung, lồng ghép các giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào các quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xu thế biến đổi của thiên tai, khí hậu.

+ Hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở.

+ Phổ biến tài liệu, kiến thức về xây dựng để bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

+ Tổ chức thực hiện các nội dung đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý.

+ Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai trong việc xây dựng, sử dụng, vận hành công trình, nhà ở; khuyến cáo các khu vực có địa hình, địa chất không an toàn cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

+ Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai đối với các công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Nguyễn Hà

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn