TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 10/02/2023 15:18

Giải đáp pháp luật về tiêu chí đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn  đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

 

1. Vào tháng 9 của năm đánh giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A bị xử lý kỷ luật Đảng do có hành vi vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ. Đề nghị cho biết xem xét điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định như thế nào?

Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong những điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”

Khi xét điều kiện tại quy định này, cần xem xét tới đối tượng vi phạm, hình thức kỷ luật hành vi vi phạm và hành vi vi phạm. Về đối tượng bị xử lý kỷ luật, chỉ xét đối với cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương (bao gồm Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã). Về hình thức kỷ luật, phải căn cứ vào Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Về hành vi vi phạm, chỉ xét đối với vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính”.

Nếu trong năm đánh giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A bị xử lý kỷ luật Đảng do có hành vi vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ (vi phạm trong thi hành công vụ) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính đối với công chức đó với mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, xã A không đáp ứng điều điện quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

2. Trong năm đánh giá, Bí thư Đảng ủy xã A bị xử lý kỷ luật hành chính với hình thức khiển trách do vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ ba). Khi họp đánh giá tại cấp xã, có ý kiến nhận định xã A không đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định do có công chức là người đứng đầu cấp ủy vi phạm chính sách dân số. Xin hỏi áp dụng điều kiện này để đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với xã A như thế nào?

Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”

Đối với trường hợp của xã A, Bí thư Đảng ủy xã bị xử lý kỷ luật hành chính do sinh con thứ ba là vi phạm chính sách dân số, không phải vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Vì vậy, xã A vẫn đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, xã A sẽ bị trừ 05 điểm tại chỉ tiêu 3 Tiêu chí 5 về “Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Trong thời gian công tác tại xã A, công chức X đã vi vi phạm pháp luật nhưng sau khi chuyển công tác sang xã B thì hành vi vi phạm này mới bị phát hiện và xử lý kỷ luật. Xin hỏi, vi phạm của công chức X được tính để đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã A hay xã B?

Tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định: “Trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan cũ nơi công chức đã công tác tiến hành xử lý kỷ luật. Hồ sơ, quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi về cơ quan nơi công chức đang công tác”.

Căn cứ quy định này, xã A - nơi công chức công tác khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm trong việc quản lý công chức, do đó xã A có trách nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật công chứctrường hợp này được tính để xác định điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã A.

4. Năm 2022, xã T không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ và bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Thời gian thi hành quyết định kỷ luật đến hết tháng 11/2023. Xin hỏi, trường hợp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T có bị tính là không đáp ứng điều kiện khi xem xét, đánh giá công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận năm 2023 không?

Về nguyên tắc, một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Do đó, trong trường hợp nêu trên, hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T đã bị xử lý kỷ luật hành chính trong năm 2022 và được tính để xét không đáp ứng điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm 2022 thì năm 2023 không tính trường hợp này để xét điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đối với xã T.

5. Theo kết quả tự chấm điểm của xã S, tổng số điểm của mỗi tiêu chí tiếp cận pháp luật đều đạt trên 50% số điểm tối đa. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu thuộc Tiêu chí 2 lại đạt điểm số dưới 50% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó (Ví dụ: Chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 2 chỉ đạt 2 điểm, khoảng 33% so với số điểm tối đa của chỉ tiêu là 6 điểm). Xin hỏi, trong trường hợp này xã S có bảo đảm điều kiện “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên” hay không?

Khoản 2 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện về số điểm của từng tiêu chí là “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên”, nghĩa là không yêu cầu điểm số của từng chỉ tiêu trong tiêu chí đó phải đạt từ 50% điểm số đa trở lên. Theo đó, nếu các tiêu chí có chỉ tiêu đạt điểm số dưới 50% số điểm nhưng tổng số điểm của tiêu chí không dưới 50% số điểm tối đa thì vẫn đáp ứng điều kiện này.

Đối với trường hợp của xã S, một số chỉ tiêu của Tiêu chí 2 có điểm số đạt dưới 50% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó nhưng tổng điểm của các tiêu chí đều đạt trên 50% số điểm tối đa thì vẫn đáp ứng điều kiện “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên”.

6. Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định thời hạn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào?

Có 02 thời hạn có liên quan đến việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm:

- Thời hạn được tính để xác định, chấm điểm kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật: Tính từ ngày 01/01 đến 31/12 hằng năm.

Việc quy định thời hạn rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phù hợp với thời hạn thực hiện thống kê, báo cáo hàng năm của địa phương, giúp cho việc thống kê, báo cáo được thuận tin, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.

- Thời hạn thực hiện quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Đây là khoảng thời gian thực hiện các hoạt động rà soát, chấm điểm, đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để tạo sự chủ động cho địa phương, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg không quy định cụ thể thời hạn thực hiện của từng nhiệm vụ, hoạt động thực hiện quy trình (các địa phương có thể rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật theo tháng, quý, 06 tháng…) mà chỉ quy định thời điểm cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện (trước ngày 10/01 của năm liền kề sau năm đánh giá), thời điểm cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (trước ngày 10/02 của năm liền kề sau năm đánh giá).

7. Đề nghị cho biết trình tự đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã) tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình sau đây:

- Bước 1: Các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tự chấm điểm, tổng hợp kết quả; lấy ý kiến và tổng hợp kết quả đánh giá hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở; chuẩn bị tài liệu đánh giá; đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

- Bước 2: Công chức Tư pháp - Hộ tịch xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu.

- Bước 3: Niêm yết công khai dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày; đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày hoặc thông báo trên Đài truyền thanh cấp xã (nếu có) ít nhất 03 (ba) lần trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày.

 Hết thời hạn nêu trên, công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ trì, phối hợp với các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có) về Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Bước 4: Tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Cuộc họp do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì. Thành phần cuộc họp bao gồm các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện Công an cấp xã; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; Trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); Tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);

- Bước 5: Căn cứ kết quả cuộc họp, nếu xã, phường, thị trấn đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) đến Phòng Tư pháp cấp huyện trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

8. Sau cuộc họp đánh giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A giao công chức Tư pháp – Hộ tịch hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xin hỏi hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm những giấy tờ gì? Xã có phải gửi kèm theo các tài liệu đánh giá theo quy định tại Thông tư số 09/2021/ TT-BTP hay không?

Theo khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

- Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu.

- Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có).

- Văn bản đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Các biểu mẫu giấy tờ nêu trên được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 4 và Phụ lục II Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Theo đó, công chức Tư pháp - Hộ tịch có thể lồng ghép văn bản đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Mẫu 01 Phụ lục II. Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu được thực hiện theo Mẫu 02 Phụ lục II; Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo mẫu 03 Phụ lục II. Các tài liệu khác có liên quan như: Phiếu lấy ý kiến, bản tổng hợp kết quả đánh giá về hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở theo mẫu 04 Phụ lục II…

Về tài liệu đánh giá, Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp xã xác định kết quả, điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và không gửi kèm theo hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp các tài liệu cụ thể phục vụ việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

9. Sau khi tổ chức tự đánh giá, chấm điểm, xã A xét thấy không đáp ứng đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do điểm số của tiêu chí 2 về Tiếp cận thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật (không đạt 50% số điểm tối đa của tiêu chí). Trường hợp này, xã A có phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg để gửi cho Phòng Tư pháp cấp huyện hay không?

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP: “Căn cứ kết quả cuộc họp, nếu xã, phường, thị trấn đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) đến Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Đối với xã, phường, thị trấn chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá để Phòng Tư pháp tổng hợp, lập danh sách xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.”

Như vậy, nếu qua kết quả tự đánh giá mà xã A không đáp ứng các điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì không phải lập hồ sơ gửi Phòng Tư pháp, nhưng xã A phải hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cơ sở cuộc họp đánh giá, chú trọng việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy, phấn đấu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP), trong đó mục IV Báo cáo ghi rõ: “Không đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, Bản tổng hợp điểm số các tiêu chí, chỉ tiêu (theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP) để Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

10. Theo quy định, Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Xin hỏi, trong quá trình rà soát, kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện các kết quả, nội dung trong hồ sơ, tài liệu có mâu thuẫn hoặc chưa rõ thì Phòng Tư pháp có được yêu cầu cấp xã giải trình, bổ sung làm rõ hay không?

Tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2021/QĐ-TTg quy định “Phòng Tư pháp tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chậm nhất trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Như vậy, trong quá trình tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện hồ sơ còn chưa đầy đủ theo quy định thì Phòng Tư pháp có thể yêu cầu, đề nghị cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp qua kiểm tra mà phát hiện hồ sơ, tài liệu có mâu thuẫn, chưa rõ hoặc có cơ sở, thông tin cho rằng kết quả tự đánh giá cuả cấp xã còn có nội dung chưa bảo đảm thì Phòng Tư pháp có thể tự mình yêu cầu hoặc đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc giải trình, bổ sung hồ sơ theo quy định.

Minh Trang (tổng hợp)

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn