TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 14/09/2020 15:07

Hỏi - đáp: Luật Trẻ em

1. Do thiếu hiểu biết, có suy nghĩ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên mỗi khi con làm việc gì sai, thay vì phân tích, nhắc nhở con, anh An lại dùng roi vọt để dạy con. Vừa qua, do mải chơi nên cháu Huy (con anh An) không nấu cơm trưa, anh An đã chửi đánh cháu, gây ra thương tích phải đi bệnh viện cấp cứu. Xin hỏi, hành vi dạy con của anh An có phải là hành vi bạo lực gia đình không?

Cha mẹ nào cũng mong muốn con vâng lời, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, muốn trẻ vâng lời nhưng không biết cách giáo dục trẻ, giáo dục sai, dùng roi vọt dạy trẻ sẽ trở nên phản tác dụng. Các cụ ta ngày xưa đã có câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng chúng ta, những người làm cha mẹ không nên hiểu máy móc roi vọt ở đây theo nghĩa đen, là vật chất thực, mà hãy hiểu đó như yếu tố tinh thần, sự nghiêm khắc trong giáo dục con.

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em thì bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dựnhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Do đó, hành vi thường xuyên chửi mắng, dùng roi vọt để dạy con mỗi khi con mắc lỗi như của anh A có thể coi là hành vi bạo lực trẻ em. Theo quy định tại Điều 6 Luật Trẻ em thì hành vi “bạo lực trẻ em” là hành vi bị nghiêm cấm.

2. Cháu Nguyễn có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố cháu mất khi cháu chưa tròn một tuổi. Sau đó không lâu, mẹ cháu cũng qua đời. Cháu sống với bà ngoại nay đã gần tám mươi tuổi. Bà tuổi đã cao, sức yếu, không làm thêm kiếm sống được nên Nguyễn phải nghỉ học đi làm thuê lấy tiền nuôi hai bà cháu khi mới 13 tuổi. Xin hỏi, cháu Nguyễn có thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước không?

Theo Khoản 10 Điều 4 Luật Trẻ em: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Trẻ em thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nhóm sau đây:

- Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;

- Trẻ em bị bỏ rơi;

- Trẻ em không nơi nương tựa;

- Trẻ em khuyết tật;

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;

- Trẻ em vi phạm pháp luật;

- Trẻ em nghiện ma túy;

- Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;

- Trẻ em bị bóc lột;

- Trẻ em bị xâm hại tình dục;

- Trẻ em bị mua bán;

- Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;

- Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Đối chiếu hoàn cảnh của cháu Nguyễn với quy định nêu trên thì cháu thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

3. H đang là sinh viên, chưa kết hôn nhưng đã sinh con. Do không có đủ khả năng nuôi con cùng với việc lo sợ dư luận xã hội nên sau khi sinh 3 ngày, cô đã đem đứa trẻ để trước cổng chùa mong có người nhìn thấy em bé thương tình mang về nhà nuôi, nhưng không may đứa trẻ đã bị chết do trời quá lạnh. Xin hỏi, trẻ mới sinh ra có quyền được bảo vệ tính mạng không? Trong trường hợp này H sẽ bị xử lý như thế nào?

Trẻ em là người dưới 16 tuổi và theo quy định của pháp luật, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Như vậy, con của H dù mới sinh nhưng cũng có quyền được bảo vệ tính mạng.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tại Điều 124 về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:

“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Theo quy định trên thì H đã có hành vi vứt bỏ đứa trẻ 03 ngày tuổi dưới trời lạnh, làm cho đứa trẻ bị chết. Hành vi đó đã cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ và người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

H có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khi xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, xem xét, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt với H. Mức hình phạt sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ khai báo của người phạm tội, sự ăn năn hối cải cũng như các yếu tố nói trên.

4. Vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và đã sinh con ở bên đó, con gái tôi đã gần một tuổi mà vẫn chưa đăng ký khai sinh. Nay vợ chồng tôi đưa cháu về gửi ông bà để tiện công tác. Xin hỏi, tôi muốn đăng ký khai sinh cho con ở Việt Nam thì thủ tục như thế nào?

Được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời là một quyền cơ bản của trẻ em. Theo Điều 13 Luật Trẻ em:

Trẻ em có quyền được khai sinh, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP). Theo đó, anh/chị cần đến UBND cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.

Khi đi đăng ký khai sinh, anh/chị xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau:

+ Tờ khai theo mẫu quy định;

+ Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có. Trường hợp không có giấy tờ này thì thực hiện theo thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em khi chưa xác định được cha mẹ.

+ Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.

Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định.

5. Tôi được biết có người mẹ bắt con gái nghỉ học để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình với lý do con gái không cần học nhiều. Việc làm của người mẹ này có vi phạm quyền học tập của trẻ em không? Pháp luật quy định việc bảo đảm về giáo dục cho trẻ em như thế nào?

Điều 16 Luật Trẻ em quy định:

Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Pháp luật nghiêm cấm hành vi cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

Như vậy, người mẹ ép buộc con nghỉ học để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình với lý do con gái không cần học nhiều là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

Việc bảo đảm về giáo dục trẻ em được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật Trẻ em như sau:

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.

- Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

- Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em.

- Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

- Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.

6. Tôi được biết hiện nay có nhiều trẻ em được tặng cho tài sản riêng rất lớn. Vậy pháp luật quy định về quyền tài sản của trẻ em như thế nào? Ai có quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của trẻ em?

Điều 20 Luật Trẻ em quy định: trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định cụ thể về tài sản riêng của trẻ em như sau:

Thứ nhất, quyền có tài sản riêng của con .

Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con

Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Thứ hai, quản lý tài sản riêng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

- Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thứ ba, định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015: giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên như sau:

- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ  hoặc người giám hộ.

7. T đạt kết quả học tập khá cao, mẹ T vui mừng đưa kết quả học tập lên mạng xã hội facebook. Bên cạnh những lời chúc mừng, có những người ác ý bảo rằng đó là thành tích ảo, điểm khống. Em rất giận mẹ. Việc đưa kết quả học tập của con lên mạng của mẹ T có vi phạm quyền của trẻ em không? Hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em có thể bị xử lý như thế nào?

Điều 21 Luật Trẻ em quy định: trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

 Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em quy định:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Như vậy, việc mẹ T đưa kết quả học tập của con lên mạng đã vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của T.

Hành vi vi phạm về quyền của trẻ em nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, nếu gây ra thiệt hại thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

8. Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ, tuy nhiên thực tế có nhiều em buộc phải cách ly cha mẹ từ nhỏ. Vậy khi bị cách ly cha mẹ thì quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em được bảo đảm như thế nào?

Điều 22 Luật Trẻ em quy định về quyền được sống chung với cha mẹ của trẻ em như sau:

Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

9. Đôi khi đi đường, tôi bắt gặp các em nhỏ đi bán vé số, đánh giày, ăn xin. Tôi có hỏi mấy em đó và một số em nói rằng bị cha mẹ bắt phải đi kiếm tiền, một số khác bố mẹ đã mất, người nuôi dưỡng các em bảo rằng không đi làm thì các em không được ăn cơm. Việc làm của bố mẹ, người nuôi dưỡng các em có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Điều 26 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì các hành vi bắt trẻ em đi bán vé số, đánh giày, xin tiền là vi phạm pháp luật. Mức xử phạt những hành vi vi phạm này thì căn cứ vào tính chất, mức độ vị phạm mà sẽ xử phạt hành chính hoặc hình sự, cụ thể:

Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:

“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống;

b) Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn”.

Điều 297 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội cưỡng bức lao động như sau:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

…………

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

………………

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

10. Cháu Duy đang học lớp 9, trước đây khi cha mẹ cháu còn ở nhà, cháu thường xuyên được quan tâm, uốn nắn nên rất ngoan, năm nào cũng được nhận phần thưởng. Song, kể từ khi cha mẹ cháu ly hôn, cháu được giao cho mẹ nuôi nhưng khi mẹ cháu đi lấy chồng, để lại cháu cho bà ngoại nuôi thì Duy bắt đầu hư hỏng, thường hay bỏ học, rủ rê đám bạn chơi game. Mới đây, Duy bị bắt quả tang vì tội cướp tài sản. Bố mẹ Duy bỏ mặc con như vậy có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử lý như thế nào?

Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em pháp luật nghiêm cấm Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân gia đình quy định cha mẹ có nghĩa vụ: thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Như vậy, hành vi bỏ mặc con của cha, mẹ là vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Như vậy, đối với hành vi bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có thể xử phạt tiền từ 10  triệu đến 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật.

11. Tôi được biết, một số trẻ em và cha mẹ đã được Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách rất hiệu quả và thiết thực, qua đó đã nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp trẻ em và cha mẹ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ. Xin hỏi, Tổng đài điện thoại quốc gia có nhiệm vụ gì trong việc bảo vệ trẻ em?

- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.

- Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.

- Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

- Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.

- Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.

12. Xin hỏi, trẻ em được tạm thời cách ly khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trong trường hợp nào? Các biện pháp chăm sóc áp dụng đối với trẻ em khi buộc phải cách ly khỏi cha, mẹ, người chăm sóc là gì?

Điều 22 Luật Trẻ em quy định: trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tuy nhiên, nếu xâm hại, sử dụng bạo lực, bóc lột hoặc bỏ rơi con mình, cha, mẹ có thể bị cách ly khỏi trẻ. Theo đó, việc tạm thời cách ly trẻ khỏi cha, mẹ, người chăm sóc được thực hiện đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc; trẻ bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc.

Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ, được gia hạn nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ thì chủ tịch UBND cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.

Trẻ được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế.

13. Bà Hạnh là việt kiều tại Canada. Đến tuổi nghỉ hưu, bà đã xin chuyển về Việt Nam sinh sống. Để tham gia các hoạt động có ích cho xã hội, bà dự định thành lập một cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em ngay tại quê nhà. Xin hỏi, pháp luật Việt Nam quy định thế nào về điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em?

Luật Trẻ em quy định: cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập, đăng ký hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

- Có nội dung hoạt động nhằm thực hiện một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em theo các cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp;

- Có người đại diện là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, am hiểu về trẻ em và bảo vệ trẻ em, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

14. Tôi dự định thành lập 01 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tôi muốn hỏi, việc cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nào?

Thứ nhất, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập thuộc thẩm quyền quản lý và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chung các loại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn huyện.

15. Một cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tỉnh A vừa mới được thành lập do bà Trần là người đại diện. Xin được hỏi, sau khi được công nhận thành lập, cơ sở cung cấp dịch vụ này sẽ hoạt động như thế nào để đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật?

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký thành lập, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ hoạt động theo nội dung đã đăng ký trong hồ sơ gửi cơ quan nhà nước và bảo đảm thực hiện các yêu cầu như sau:

- Phải tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

- Thực hiện việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và chuyển giao trẻ em, kết quả cung cấp dịch vụ cho trẻ em giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em;

- Chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Giữ bí mật thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

- Phải bảo đảm việc bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ là: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp; phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; ưu tiên bảo vệ trẻ em tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em; coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài những yêu cầu trên đây, Luật Trẻ em còn quy định cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tiếp nhận hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em.

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn