TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2024 08:45

Hỏi - đáp về Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

1. Đề nghị cho biết Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử cấp huyện trước ngày 10/02 của năm liền kề sau năm đánh giá”.

Trên cơ sở đó, Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, khoản 1 quy định Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

2. Đề nghị cho biết Phòng Tư pháp có trách nhiệm gì trong việc tham mưu triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật?

Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Đề nghị thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

- Chuẩn bị tài liệu, nội dung cuộc họp Hội đồng và gửi các thành viên Hội đồng chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp;

- Tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp đề xuất của thành viên Hội đồng để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;

- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

- Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, thẩm định của Hội đồng theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.

3. Đề nghị cho biết một số điểm mới về Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP?

Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTG quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử cấp huyện trước ngày 10/02 của năm liền kề sau năm đánh giá”. Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã quy định cụ thể về thành phần, số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; trách nhiệm của Phòng Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng.

Theo đó, một số điểm mới quan trọng của Hội đồng so với Quyết định số 619/QĐ-TTg, Thông tư số 07/2017/TT-BTP, đó là:

Thứ nhất, tên gọi của Hội đồng được sửa đổi cho phù hợp với nhiệm vụ, từ “Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật” thành “Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật”;

Thứ hai, bổ sung mới thành phần của Hội đồng có Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.

Thứ ba, bổ sung, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ tư vấn, thẩm định của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật khi quy định tổng số điểm các tiêu chí, chỉ tiêu làm căn cứ xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định theo điểm số thẩm định của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

(Theo BTP)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn