TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/03/2022 17:00

Một số tình huống về xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực chăn nuôi

1. Đề nghị cho biết chăn nuôi nông hộ cần đảm bảo điều kiện gì? Trường hợp vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Điểm c, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi quy định, chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ: Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định; Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trường hợp vi phạm điều kiện nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, Điều 24 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gian đối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

Ngoài ra, hành vi vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

- Buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm.

2. Đề nghị cho biết hành vi vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt như thế nào?

Điều 25 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định hành vi vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ sẽ bị áp dụng các mức xử phạt sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ về quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

+ Không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định.

- Hành vi vi phạm quy định về kê khai chăn nuôi bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kê khai;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian đối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Ngoài ra,  hành vi vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc giảm quy mô chăn nuôi cho phù hợp với khoảng cách theo quy định đối với hành vi vi phạm;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

- Buộc di dời trang trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm.

3. Gia đình bà A dùng tầng 4 của căn nhà đang ở để nuôi yến. Bà đã dùng hệ thống loa phát ra âm thanh để dẫn dụ đàn yến về. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh của gia đình bà A quá ồn ào, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Xin hỏi hành vi này có bị xử phạt hay không?

Điều 27 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về hoạt động nuôi yến.

Theo đó, đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020  hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Như vậy, với trường hợp trên, bà A sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng, đồng thời buộc phải thực hiện biện pháp làm giảm tiếng ồn theo quy định.

4. Xin cho biết hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất bị xử phạt như thế nào?

  Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định, hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

5. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt như thế nào?

Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Ngoài ra, trường hợp vi phạm còn bị buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm.

6. Hiện nay có tình trạng cơ sở chăn nuôi thực hiện việc bơm nước vào gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng. Hành vi này thể hiện sự gian dối thương mại. Xin hỏi pháp luật có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này hay không?

Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý nhiệt đối với động vật; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.

7. Ông A là chủ trang trại chăn nuôi gia súc vừa bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Xin hỏi, mức xử phạt này có đúng hay không?

Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021,  hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Với trường hợp nêu trên, ông A là chủ trang trại chăn nuôi quy mô vừa nên mức xử phạt tương ứng với hành vi là từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. do vậy, mức phạt 7.000.000 đồng là sai quy định pháp luật.

8. Đề nghị cho biết hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 31 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Bên cạnh đó, có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

9. Hành vi vi phạm quy định về mua bán xuất nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 32 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua bán mỗi sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;

+ Nhập khẩu mỗi sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua bán mỗi sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Nhập khẩu mỗi sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Công thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hành vi này có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua bán sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động mua bán sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

+ Nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc tái xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

10. Cơ sở X chuyên sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, trong lần thanh tra vừa qua, cơ sở này đã bị xử phạt về hành vi không có kho bảo quản sản phẩm. Đề nghị cho biết quy định ở văn bản nào? Mức xử phạt bao nhiêu?

Cơ sở X bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021, theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không có người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường;

- Không thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong quá trình sản xuất;

- Không có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất sản phẩm;

- Không có đầy đủ thiết bị, dụng cụ đo lường để giám sát chất lượng, bảo đảm độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo lường;

- Không có kho bảo quản sản phẩm;

- Không có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật bảo đảm an toàn cho người và môi trường trong trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

11. Cơ sở K chuyên sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đang trong thời gian chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ sản xuất, tuy nhiên, cơ sở này vẫn tiếp túc sản xuất các sản phẩm này. Xin hỏi, hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cơ sở K sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất. Đồng thời,  Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đối với hành vi vi phạm;  trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy.

12. Đề nghị cho biết mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi?

Điều 34 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu khảo nghiệm phù hợp với việc khảo nghiệm mỗi sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Không có người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường;

- Không có thiết bị nuôi, giữ vi sinh vật để phục vụ việc khảo nghiệm trong trường hợp cơ sở khảo nghiệm các sản phẩm vi sinh vật sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi;

- Không lưu hồ sơ hoặc lưu không đầy đủ kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi công bố kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi không trung thực.

Ngoài ra có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động khảo nghiệm của cơ sở khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi từ 01 tháng đến 03 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã thực hiện.

13. Vi phạm quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm sẽ bị xử phạt như thế nào?

Điều 35 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định vi phạm quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm sẽ bị xử phạt:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm nhưng để lại nuôi làm giống với mục đích thương mại;

- Nhập khẩu mỗi sản phẩm chăn nuôi có chứa chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu mỗi loại vật nuôi sống có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi làm thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc sử dụng vật nuôi đúng mục đích nhập khẩu; Buộc tái xuất vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy.

14. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi hay không? Đề nghị cho biết mức xử phạt là bao nhiêu?

Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi;

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm a khoản này;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.

Phạm Đức

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn