TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/03/2023 10:26

Tìm hiểu một số quy định về phòng cháy, chữa cháy

 

1. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 30 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì  cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

+ Không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

+ Không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

+ Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 36 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có  hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Thay đổi thiết kế hoặc thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

+ Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị sử dụng điện không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ;

+ Không có hoặc không bảo đảm nguồn điện dự phòng cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt các hệ thống, thiết bị điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lắp đặt hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với hành vi này.

4. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 42 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có  hành vi vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không có phương tiện, thiết bị phát hiệu lệnh hoặc thông tin báo cháy theo quy định của pháp luật; Không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy bị hỏng hoặc mất tác dụng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn; Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.

5. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 44 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Làm che khuất, cản trở lối tiếp cận phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

+ Sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật;

+ Không lập hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ;

+ Không bảo quản trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, chất chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đủ hoặc không đồng bộ theo quy định của pháp luật;

+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định của pháp luật;

+ Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện chữa cháy thông dụng, chất chữa cháy, thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy chưa được kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở theo quy định của pháp luật;

+ Sử dụng phương tiện chữa cháy ở vị trí thường trực chữa cháy dùng vào mục đích khác;

+ Sử dụng nguồn nước chữa cháy sai mục đích hoặc không dự trữ đủ nước chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Di chuyển, thay đổi vị trí lắp đặt phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đúng thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy vận chuyển hành khách theo quy định của pháp luật;

+ Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng của phương tiện chữa cháy cơ giới, hệ thống báo cháy, chữa cháy;

* Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm này;

+ Không duy trì chế độ hoạt động thường trực của phương tiện chữa cháy cơ giới, hệ thống báo cháy, chữa cháy đã được trang bị theo quy định của pháp luật;

+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

* Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi vi phạm này.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; Không trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới theo quy định của pháp luật.

6. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 45 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có  hành vi vi phạm quy định về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vào khu vực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi không được phép của người có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không kịp thời thực hiện việc cứu người, cứu tài sản hoặc chữa cháy.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; Không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người có thẩm quyền; Không bố trí, duy trì thang máy chữa cháy, phòng trực điều khiển chống cháy theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở hoạt động của lực lượng và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền; Không tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy theo quy định; Không bố trí, duy trì đường giao thông, bãi đỗ, lối tiếp cận cho lực lượng và phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động theo quy định.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không tổ chức việc thoát nạn, cứu người hoặc chữa cháy; Lợi dụng việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để xâm hại đến sức khỏe, tài sản hợp pháp của công dân và tài sản của nhà nước.

7. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 49 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng nguyên tắc, mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật; Không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

8. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 50 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có  hành vi vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

* Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm này.

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

* Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm này.

Nguyễn Khải

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn