TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 18/09/2023 10:05

Hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

(Theo Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC ngày 24/8/2023, có hiệu lực từ 20/10/2023)

1. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính

- Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hình sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

+ Bị can, bị cáo là người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có hành vi sau:

Trong hoạt động quản lý hành chính:

“1. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật;

3. Áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính sau đây trái pháp luật:

a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

c) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

4. Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

5. Áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính sau đây trái pháp luật:

a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

6. Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp sau đây để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu:

a) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo tại nơi công tác;

b) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm tại nơi cư trú;

c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo theo quy định của pháp luật;

7. Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin‎;

8. Cấp, thu hồi, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trái pháp luật;

9. Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật;

10. Áp dụng thủ tục hải quan trái pháp luật;

11. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư trái pháp luật; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trái pháp luật;

12. Ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật;

13. Cấp văn bằng bảo hộ khi có căn cứ pháp luật cho rằng người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc có căn cứ pháp luật cho rằng đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ với lý do đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật;

14. Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.”

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính:

“1. Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật;

2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, tổ chức yêu cầu;

3. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, tổ chức;

4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng;

5. Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự;

6. Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, chứng cứ hoặc bằng hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.”

Trong hoạt động thi hành án hình sự:

“1. Thi hành án tử hình đối với người thuộc trường hợp không bị thi hành án tử hình quy định tại Bộ luật Hình sự;

2. Giam người bị kết án phạt tù quá thời hạn phải thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án;

3. Không thực hiện một trong các quyết định sau đây:

a) Hoãn thi hành án của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù;

b) Tạm đình chỉ thi hành án của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

c) Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

d) Tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù;

đ) Đặc xá của Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù được đặc xá;

e) Đại xá của Quốc hội đối với người bị kết án được đại xá.”

Trong hoạt động thi hành án dân sự:

“1. Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật:

a) Thi hành án;

b) Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án;

c) Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;

d) Cưỡng chế thi hành án;

đ) Hoãn thi hành án;

e) Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;

g) Tiếp tục thi hành án;

2. Tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này trái pháp luật.”

+ Hành vi của bị can, bị cáo bị truy tố gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

+ Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường.

- Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người bị kiện có quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 17 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

+ Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường.

- Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo là người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại quy định tại Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định.

2. Yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính

- Người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

- Người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

- Yêu cầu bồi thường phải được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai, trình bày và được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản làm việc khác.

- Vụ án hình sự, vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu trên được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án, trừ trường hợp giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau thời điểm hướng dẫn nêu trên thì Tòa án không giải quyết mà giải thích, hướng dẫn cho họ về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

3. Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

- Tòa án có thẩm quyền theo quy định xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Khi tiến hành nghị án, Hội đồng xét xử phải thảo luận, xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật, có gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không. Nội dung này phải được ghi vào biên bản nghị án.

- Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử xác định thiệt hại được bồi thường; xem xét, quyết định các vấn đề về bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định.

- Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ không trái pháp luật hoặc không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu bồi thường trong bản án, quyết định.

4. Xác định thiệt hại được bồi thường

- Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác tài liệu, chứng cứ đã thu thập để xác định thiệt hại nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc xác định thiệt hại được bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

5. Tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự

- Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng chưa có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết yêu cầu bồi thường thì Hội đồng xét xử tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác. Người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ án hình sự, hành chính có hiệu lực pháp luật. Việc tách yêu cầu bồi thường phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính.

- Khi giải quyết vụ án dân sự theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà bản án, quyết định hình sự; bản án, quyết định hành chính bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự, vụ án hành chính.

6. Nội dung của bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường

Bản án hình sự, bản án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải có các nội dung sau đây:

- Tại phần thông tin về người tham gia tố tụng, ghi tư cách tham gia tố tụng của người có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính.

- Tại phần “NỘI DUNG VỤ ÁN”, trình bày thành đoạn riêng thể hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của người có yêu cầu bồi thường.

- Tại phần “NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:

+ Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người yêu cầu và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nội dung yêu cầu của người yêu cầu bồi thường; xác định nhũng thiệt hại đối với người yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; tài liệu, chứng cứ đã đủ giải quyết yêu cầu bồi thường;

+ Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là không trái pháp luật, không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

+ Trường hợp tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ để giải quyết yêu cầu bồi thường.

- Tại phần “QUYẾT ĐỊNH”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:

+ Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; xác định các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường, phục hồi danh dự (nếu có); việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); xác định cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, thực hiện phục hồi danh dự (nếu có), khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thu tiền hoàn trả; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;

+ Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ không chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;

+ Trường hợp tách yêu cầu bồi thường thì ghi rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự; người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

Phương Thành

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn