(Theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều).
(Phần 2)
10. Nhận thấy vào mùa hè, nhiều người ra hồ thủy lợi gần nhà để hóng mát, ông A dựng tạm quán nước trên bờ hồ để bán trà đá. Hành vi của ông A có vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Thủy lợi năm 2017 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018, năm 2020): Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.
Điều 40 Luật Thủy lợi năm 2017 về phạm vi bảo vệ của công trình quy định:
“1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
2. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
3. Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau:
a) Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m;
b) Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ.…”
Ông A có hành vi dựng quán nước bán trà đá trên bờ hồ (đập) trong phạm vi bảo vệ của công trình thủy lợi. Hành vi trên của ông A đã vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. Hành vi trên của ông A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm lều, quán, tường; xây dựng các công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngoài ra ông A còn buộc tháo dỡ quán nước để khôi phục tình trạng ban đầu cho hồ thủy lợi.
11. Đập thủy lợi có thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hay không? Hành vi xây dựng cầu bê tông kiên cố bắt qua đập thủy lợi sẽ bị xử phạt như thế nào?
Điều 2 Luật Thủy lợi năm 2017 quy định công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi. Căn cứ Điều 40 Luật Thủy lợi năm 2017 xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
Khoản 10 Điều 8 Luật Thủy lợi năm 2017 quy định nghiêm cấm hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi xây dựng cầu bê tông kiên cố bắt qua đập thủy lợi sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với các hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP).
12. Thấy mương nước trước cửa nhà ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình. Anh T đã tự ý lấp mương dẫn đến không đưa nước được vào cánh đồng canh tác gần đó. Hành vi tự ý ngăn, lấp công trình thủy lợi là mương nước gây ảnh hưởng đến canh tác bị xử lý như thế nào?
Khoản 3, 4 và khoản 6 Điều 2 Luật Thủy lợi năm 2017 quy định:
"3. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.
4. Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.
...
6. Hệ thống dẫn, chuyển nước bao gồm kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước."
Theo quy định trên, mương nước được xác định là công trình thủy lợi.
Hành vi ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Thủy lợi 2017.
Khoản 7 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi;
b) Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”.
Như vậy, với hành vi tự lấp mương dẫn nước, anh T có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình.
13. Hành vi chiếm dụng đất, xây dựng nhà ở trên đê chắn lũ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
Khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm hành vi: “Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.”
Theo Điều 32 Nghị định 03/2022/NĐ-CP thì hành vi xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không bao gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích dưới 02 m2; hoặc có chiều dài dưới 02 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích từ 02 m2 đến dưới 05 m2; hoặc có chiều dài từ 02 m đến dưới 05 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 05 m2 đến dưới 10 m2; hoặc có chiều dài từ 05 m đến dưới 10 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích từ 10 m2 đến dưới 30 m2; hoặc có chiều dài từ 10 m đến dưới 20 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 30 m2 đến dưới 50 m2; hoặc có chiều dài từ 20 m đến dưới 30 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với diện tích từ 50 m2 đến dưới 80 m2; hoặc có chiều dài từ 30 m đến dưới 50 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 80 m2 trở lên; hoặc có chiều dài từ 50 m trở lên đối với công trình theo tuyến, dạng tường.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy, hành vi xây dựng nhà ở trên đê chắn lũ thuộc phạm vi bảo vệ đê điều sẽ bị xử phạt mức phạt thấp nhất 1.000.000 đồng, cao nhất là 100.000.000 đồng tùy từng trường hợp và bị buộc khôi phục tháo dỡ nhà đã xây để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đê. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP).
14. Làng H có nghề đan mây tre đan truyền thống. Một số người dân trong thôn chặt tre chắn sóng ở bãi sông ngoài đê để làm vật liệu đan. Xin hỏi, hành vi trên của một số người dân làng H có vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào?
Điều 29 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Việc khai thác cây chắn sóng trong hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê phải theo sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước quản lý đê điều ở địa phương. Hành vi phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê trừ trường hợp nêu trên là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Đê điều.
Việc một số người dân làng H tự ý chặt tre chắn sóng ngoài đê để làm nguyên vật liệu mây tre đan không theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền có thể làm ảnh hướng đến an toàn của công trình đê điều và được xác định là hành vi phá hoại cây chắn sống bảo vệ đê.
Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với số lượng dưới 05 cây;
- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với số lượng từ 05 cây đến dưới 10 cây;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với số lượng từ 10 cây đến dưới 30 cây;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với số lượng từ 30 cây đến dưới 50 cây;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với số lượng từ 50 cây đến dưới 100 cây;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với số lượng từ 100 cây trở lên.
Như vậy, tùy theo số lượng tre đã tự ý chặt, người dân vi phạm có thể bị phạt tiền mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 10, 11 Điều 27, người vi phạm còn bị tịch thu số tre đã chặt và buộc trồng lại cây chắn sóng đã phá hoại.
15. Trên bãi sông của thôn H có một số hộ kinh doanh vật liệu xây dựng tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ. Xin hỏi, hành vi này bị xử lý như thế nào?
Khoản 7 Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
Theo đó, khoản 3 Điều 29 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi để vật liệu ở lòng sông, bãi sông và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 02 m3;
- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với khối lượng từ 02 m3 đến dưới 05 m3;
- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 30 m3;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 30 m3 đến dưới 100 m3;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 100 m3 đến dưới 300 m3;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 300 m3 đến dưới 500 m3;
- Từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khối lượng từ 500 m3 trở lên.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của bãi sông, lòng sông theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 29 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP.
16. Hành vi chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển sai quy định đất, đá, cát, sỏi thuộc vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, hành vi chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển sai quy định đất, đá, cát, sỏi thuộc vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 0,5 m3;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 02 m3;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khối lượng từ 02 m3 đến dưới 05 m3;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với khối lượng từ 30 m3 trở lên.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc nộp lại vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão đã chiếm dụng, sử dụng, di chuyển sai quy định.
17. Hành vi sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê bị xử phạt như thế nào?
Tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê, an toàn giao thông và đời sống dân sinh. Khoản 6 Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
Điều 31 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng xe đi trên đê như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, xe chữa cháy.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới đi trên đê không đúng quy định trong giấy phép.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới đi trên đê không có giấy phép.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu làm hư hỏng đê điều đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.”
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Người vi phạm còn phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu làm hư hỏng đê điều.
Huy Hưng