TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 30/08/2022 09:32

3 mốc tuổi nào cần đi đổi căn cước công dân gắn chip?

Căn cước công dân gắn chip cũng có thời hạn nhất định theo độ tuổi. Người dân cần nhớ 3 mốc tuổi này để đi đổi đúng hạn.

Thời hạn của Căn cước công dân gắn chip: Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định như sau:

- Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo đó, căn cước công dân dù là mã vạch hay gắn chip đều có thời hạn sử dụng đến khi người được cấp đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Nhưng nếu đã được cấp trong 02 năm trước các mốc tuổi này, thì vẫn được sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo.

Một số trường hợp đặc biệt

- Nếu công dân đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip năm 24 tuổi, thì thẻ căn cước công dân gắn chip này có giá trị sử dụng đến năm công dân 40 tuổi.

- Nếu trong trường hợp công dân đi làm căn cước công dân gắn chip đã đủ 60 tuổi, tính đến thời điểm cấp thẻ, thì thời hạn sử dụng thẻ là đến suốt đời. Tức là công dân được sử dụng cho đến khi chết mà không cần làm thủ tục đổi thẻ bất cứ lần nào nữa, trừ trường hợp thẻ bị mất, hoặc bị hư hỏng,…

- Công dân đi làm căn cước công dân gắn chip khi đủ 58 tuổi cũng được sử dụng thẻ cho đến khi chết, mà không cần phải đi đổi thẻ ở mốc đủ 60 tuổi.

- Công dân trên 60 tuổi đang sử dụng căn cước công dân mã vạch thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi chết, mà không bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip.

Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân mã vạch đã cấp trước đây theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an và Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:

- Chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch đã cấp trước khi địa phương triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn.

Vì vậy, người dân có chứng minh nhân dân, căn cước công dân đã cấp theo mẫu cũ nếu chưa hết hạn thì không bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip.

Không đổi căn cước công dân gắn chíp đúng quy định bị phạt bao nhiêu?

Đối với vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân;

c) Không nộp lại giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc".

Như vậy, nếu không đi đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip đúng quy định, người dân có thể bị phạt đến 500.000 đồng.

Hà Châu

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn