Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2008. Sau 12 năm triển khai và thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc và đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Những quy định cần sửa đổi
Hành vi “bạo lực gia đình” (BLGĐ) mặc dù đã được “định nghĩa” trong Luật nhưng vẫn còn chung chung dẫn đến chưa nhận diện đầy đủ trong thực tế. Các quy định về thông tin, tuyên truyền chưa quy định cụ thể; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thực sự phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay. Việc thông tin, tuyên truyền chủ yếu đưa tin các vụ, việc mà chưa chú trọng đến công tác phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ.
Luật quy định về hòa giải trong phòng, chống BLGĐ nhưng chưa nêu rõ tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình. Thực tế, những vụ BLGĐ sau khi bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì những mâu thuẫn, tranh chấp đang tồn tại trong gia đình được giải quyết triệt để. Mặt khác, việc hòa giải còn mang tính hình thức, người tham gia hòa giải trong phòng, chống BLGĐ còn hạn chế về kỹ năng, thậm chí có người vẫn còn tư tưởng định kiến về giới nên công tác hòa giải trong phòng, chống BLGĐ chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn tố cáo khiến người là nạn nhân BLGD cảm thấy e ngại. Các biện pháp cấm tiếp xúc như: cấm đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân… chưa thực sự bảo vệ người là nạn nhân BLGĐ. Vì vậy, cần sửa các quy định liên quan đến việc cấm tiếp xúc để tăng cơ hội bảo vệ nạn nhân cũng như đảm bảo tính răn đe với người gây ra bạo lực.
Một số nội dung cần bổ sung trong Luật
Các chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ chưa được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trong khi các hoạt động thu hút thông qua Quỹ hỗ trợ nhằm giúp đỡ các trường hợp bị BLGĐ là cần thiết. Trong Chương trình hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Do đó, việc thành lập Quỹ cần được luật hóa để đảm bảo tính khả thi.
Luật cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống BLGĐ. Có không ít trường hợp người tham gia can ngăn hành vi BLGĐ bị thiệt hại về tài sản, thậm chí nguy hiểm tính mạng nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định về việc hỗ trợ khiến công tác này khó huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Mặt khác, các quy định báo cáo số liệu về tình hình BLGĐ đang còn “tản mát” ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất về tiêu chí, biểu mẫu, cách thức và cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu. Do đó, cần thiết có quy định thống thống về nội dung này.
Trong thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội và là tổ ấm của mỗi người.
Phương Liên