TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 13/05/2022 16:42

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đến năm 2030 đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa, kiểm soát;

- Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi;

- Tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học;

- Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Các nhiệm vụ của Chiến lược

1. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường

a) Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

b) Thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường

c) Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường

d) Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới

2. Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường

a) Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị

b) Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại

c) Tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý, bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông

d) Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo vệ môi trường đất

đ) Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

e) Tiếp tục cung cấp nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người

3. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên

a) Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn, các hành lang đa dạng sinh học

b) Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái

c) Ngăn chặn sự suy giảm các loài và nguồn gen, bảo đảm an toàn sinh học

d) Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên

4. Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

a) Tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

b) Phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính

Các giải pháp thực hiện Chiến lược

1. Đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân

- Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành về vai trò của bảo vệ môi trường trong hoạch định chính sách phát triển.

- Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu. Tổ chức thực hiện đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường các địa phương.

- Tăng cường giáo dục đạo đức môi trường, tình yêu thiên nhiên, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường của con người Việt Nam. Đưa bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục các cấp và trình độ đào tạo; đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành về môi trường; xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình về bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục.

- Phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường. Thực hiện đánh giá, xếp hạng hàng năm các doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường và phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... Nâng cao nhận thức, biến ý thức thành hành động về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Hình thành và phát triển lối sống xanh, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong quản lý chất thải và vệ sinh môi trường.

- Phát hiện, nêu gương, khen thưởng kịp thời, tạo dựng các phong trào, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt về bảo vệ môi trường; tiếp tục xét và trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam theo định kỳ.

- Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo vệ môi trường.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường

- Rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các luật có liên quan; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nước, đất, quản lý chất thải rắn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tạo lập cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon... Rà soát, hoàn thiện các loại thuế, phí, giá dịch vụ môi trường; tạo lập, hoàn thiện các cơ chế về ký quỹ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, bồi hoàn đa dạng sinh học...

- Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm sinh thái; hỗ trợ các hoạt động xử lý, cải tạo ô nhiễm môi trường. Xây dựng và thực hiện các quy định về mua sắm xanh.

- Xây dựng và thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, các hợp phần bảo vệ môi trường trong các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo hướng tiếp cận với các nước phát triển. Khuyến khích các địa phương áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của quốc gia.

3. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, khắc phục các chồng chéo, bất cập, xung đột trong chức năng nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương.

- Đẩy mạnh phân cấp, tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường năng lực cho các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã, tăng cường liên kết giữa các vùng và địa phương trong bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về môi trường theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Từng bước chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng giảm “tiền kiểm”, tăng “hậu kiểm”, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.

4. Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính theo hướng tăng mức phạt; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định và thực hiện xử lý hình sự đối với các tội phạm về môi trường.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, áp dụng cơ chế thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thanh tra và lực lượng cảnh sát môi trường.

- Tăng cường cung cấp, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý môi trường đến cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý môi trường các cấp.

- Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan truyền thông đối với bảo vệ môi trường; phát triển và ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, các đường dây nóng... để đẩy mạnh giám sát về môi trường.

- Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường, cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

- Tăng cường năng lực quản trị môi trường trong các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp.

5. Huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường

- Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai mạnh mẽ các hình thức đối tác công tư, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong bảo vệ môi trường.

- Tăng chi từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, bảo đảm tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước; rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các nội dung chi ngân sách, ưu tiên cho tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách.

- Từng bước hình thành và phát triển thị trường vốn cho bảo vệ môi trường; xây dựng và hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn về tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Phát huy vai trò của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, khuyến khích thành lập các quỹ tư nhân tài trợ cho các sáng kiến bảo vệ môi trường của cộng đồng.

- Ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, đặc biệt là tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường.

- Tích cực, chủ động đề xuất các dự án về bảo vệ môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.

- Thiết lập cơ chế, xây dựng tiêu chí và quy trình lựa chọn các dự án về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

6. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường

- Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực.

- Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, viễn thám và các công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quan trắc và cảnh báo về môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý nước thải; thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

- Lập và thực hiện Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; phát triển mạng lưới quan trắc môi trường của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại và đồng bộ. Thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường và đa dạng sinh học quốc gia, ngành và địa phương, chú trọng ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các khu vực nhạy cảm về môi trường.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ và được kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Từng bước chuyển đổi, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư vấn về môi trường.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế

- Chủ động tham gia đàm phán và tổ chức thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt trong các vấn đề về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chất thải nhựa đại dương...; thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương; thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các dự án quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Tận dụng các cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy bảo vệ môi trường. Áp dụng các rào cản kỹ thuật để ngăn ngừa các tác động tiêu cực về môi trường từ quá trình hội nhập.

- Chú trọng hợp tác với các quốc gia láng giềng và trong khu vực về các vấn đề môi trường xuyên biên giới như bảo vệ môi trường nước, môi trường biển, môi trường không khí, quản lý chất thải nhựa đại dương, an toàn phóng xạ, hạt nhân, kiểm soát săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép và sinh vật ngoại lai xâm hại.

Các chương trình, kế hoạch và Đề án trọng điểm

1. Chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Chương trình tăng cường năng lực quan trắc môi trường đến năm 2030.

4. Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.

5. Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

6. Chương trình đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước và công trình xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị từ loại V trở lên.

7. Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo từng thời kỳ.

8. Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đến năm 2030.

9. Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng.

10. Chương trình bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2030.

11. Chương trình bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên.

12. Chương trình phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái đến năm 2030.

Đức Đạt

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn