TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 21/02/2024 11:14

Dự án "Chăm sóc sức khỏe, Phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2024-2028"

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 325/QĐ-BYT ngày 07/02/2024 phê duyệt dự án "Chăm sóc sức khỏe, Phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2024-2028". Theo đó:

1. Mục tiêu của Dự án:

* Mục tiêu chung

Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp người khuyết tật (bao gồm người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí), nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi hoà nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe, nâng cao năng lực và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

* Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu 1: Sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm các biểu hiện về khuyết tật và các vấn đề về sức khỏe. Lập hồ sơ đối tượng để quản lý, tư vấn, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật (bao gồm người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí), nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi tại các các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

- Mục tiêu 2: Tổ chức chăm sóc sức khỏe, điều trị và phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

- Mục tiêu 3: Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, chuyên môn cho cán bộ y tế. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, cộng tác viên, thành viên gia đình về chăm sóc, phục hồi chức năng đối với nạn nhân, người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, người cao tuổi và người nhà của họ.

- Mục tiêu 4: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, danh mục kỹ thuật, quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi.

- Mục tiêu 5: Tăng cường truyền thông, nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin về phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi.

2. Các giải pháp chính

* Các giải pháp về chuyên môn

- Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi tại cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng;

- Cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ sơ sinh đến 6 tuổi, tư vấn, quản lý sức khỏe sinh sản thông qua việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng về phát hiện sớm, can thiệp sớm cho các cán bộ y tế và cộng tác viên ở các tuyến;

- Tổ chức quản lý sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế, phòng ngừa bệnh tật, tư vấn sinh sản cho người dân sống quanh điểm nóng về phơi nhiễm với chất độc hoá học/dioxin và các vùng triển khai Dự án;

- Cung cấp dịch vụ phát hiện sớm khuyết tật và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi thông qua việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế, cộng tác viên và gia đình.

* Các giải pháp về quản lý

- Bổ sung, hoàn thiện hướng dẫn về tổ chức và quản lý (lập kế hoạch, triển khai và đánh giá) các hoạt động của dự án cho các địa phương;

- Thực hiện hoạt động hỗ trợ chuyên môn về phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi từ tỉnh xuống huyện, xã/phường và cộng đồng.

* Giải pháp về truyền thông

- Tăng cường nhận thức của cộng đồng về hậu quả của chất độc hoá học và cách phát hiện sớm khuyết tật và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người cao tuổi thông qua các kênh truyền thông ở các tỉnh thuộc phạm vi dự án.

- Tổ chức giao ban, các chuyến thăm quan, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh triển khai dự án.

* Giải pháp cơ chế tài chính

- Hằng năm, căn cứ kế hoạch hoạt động được Lãnh đạo Bộ phê duyệt và trên cơ sở đề xuất của các đơn vị đồng thực hiện dự án gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp gửi Vụ Kế hoạch tài chính.

- Vụ Kế hoạch tài chính có nhiệm vụ xem xét bố trí kinh phí, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét quyết định phân bổ và giao kinh phí trực tiếp cho các đơn vị triển khai các hoạt động tại đơn vị và tại các tỉnh tham gia dự án được phân công nhiệm vụ.

- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chủ trì thực hiện Dự án và đồng thực hiện dự án căn cứ các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí, thanh quyết toán theo đúng các quy định của pháp luật. Phối hợp với các Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động Dự án.

3. Kinh phí thực hiện Dự án

Kinh phí thực hiện Dự án được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn tài trợ, viện trợ quốc tế; nguồn vốn xã hội hoá, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, nguồn lực hợp pháp khác triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Minh Trang

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn