TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/12/2023 09:39

Kế hoạch về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới của thành phố Hải Phòng

Ngày 17/7/2023, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 77/NQ-CP) và Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 08/3/2023 của Ban Thường vụ Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động số 46-CTr/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TW);

 Kế hoạch nhằm quán triệt và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 77/NQ-CP và Chương trình hành động số 46-CTr/TU.  Xác định nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cụ thể hoá nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và thời gian thực hiện để các Sở, ban, ngành thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Yêu cầu của Kế hoạch nhằm xác định rõ những nội dung nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 77/NQ-CP và Chương trình hành động số 46-CTr/TU thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình của thành phố và gắn với thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với lộ trình phù hợp. Xác định đầy đủ, chính xác các nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện và thời gian thực hiện nhiệm vụ. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan theo đúng chức năng quản lý; đảm bảo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân  thành phố.

Các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch 

1. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 77/NQ-CP và Chương trình hành động số 46- CTr/TU. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn của thành phố; coi việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong cơ quan, đơn vị. Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đảng viên trong thực thi Hiến pháp, pháp luật.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tổ chức thực hiện.

2. Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp tục hoàn hiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố:

Thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị bảo đảm đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo,... tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Thực hiện nghiêm quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; đặc biệt là trong việc lấy ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân. Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến và giáo dục pháp luật; tiếp tục xây dựng, kiện toàn mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả gắn kết chặt chẽ với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan chủ trì: Các Sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban nhân dân  các cấp theo hướng phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả:

Bảo đảm tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp thực sự hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân. Phát huy vai trò của Uỷ ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân; đề cao tính chủ động, sáng tạo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước.

Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 03 trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đề xuất đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với đảm bảo nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Uỷ ban nhân dân các cấp. Xác định rõ trách nhiệm giữa Uỷ ban nhân dân với các cơ quan chuyên môn; giữa các cơ quan chuyên môn với nhau; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Tập trung phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông; Uỷ ban nhân dân  các quận, huyện chủ trì thực hiện.

4. Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân :

Tham gia nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư.

Tiếp tục thực hiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hoá và phát triển các lĩnh vực công chứng, hoà giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hoà giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng; hiện đại hoá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của thành phố.

Sở Tư pháp chủ trì thực hiện, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Đoàn Luật sư thành phố.

5. Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong thực hiện việc kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Tổ chức thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước.

Thực hiện các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm soát bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa chính quyền cấp trên và chính quyền cấp dưới và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân .

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra thành phố, các Sở, ban, ngành thành phố và Uỷ ban nhân dân  cấp huyện chủ trì thực hiện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

6. Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới:

Tăng cường, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường công tác thông tin đối ngoại về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, các Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Nguyễn Thị Phương Dung (tổng hợp)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn