TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 15/02/2023 08:39

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 12/01/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò của nuôi biển trong thúc đẩy tăng trưởng, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của thành phố Hải Phòng đáp ứng và góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển phù hợp với Đề án phát triển nuôi biển của cả nước và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và mọi nguồn lực đầu tư phát triển nuôi biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển nuôi biển phải hài hoà với hoạt động của các ngành kinh tế khác trên biển, kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Mục tiêu đến hết năm 2025:

Diện tích nuôi biển (bãi triều và trong đất liền): khoảng 3.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt trên 31.000 tấn, trong đó:

- Cá biển: phát triển nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện Cát Hải tại Khu vực Hang Vẹm - Vụng O, Hòn Thoi Quýt - Gia Luận, Ghẹ Gầm - Gia Luận với tổng số 117 bè nuôi /1.872 ô lồng (3x4m), sản lượng đạt 700 tấn/năm.

- Nhuyễn thể:

* Nuôi bãi: phát triển nuôi trên địa bàn huyện Tiên Lãng với diện tích 1.900 ha. sản lượng đạt 25.000 tấn.

* Nuôi giàn: phát triển tại khu vực Ghẹ Gầm - Gia Luận (huyện Cát Hải) với 42 giàn nuôi nhuyễn thể (600m3/giàn), sản lượng đạt 500 tấn/năm.

- Thủy sản khác (giáp xác, rong biển...): tại địa bàn các quận, huyện ven biển Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Cát Hải.... Sản lượng đạt 5.000 tấn.

Xây dựng từ 01 đến 02 mô hình nuôi biển như rong biển, nuôi cá sử dụng thức ăn công nghiệp...; xây dựng ít nhất 01 mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ (giáo dục cộng đồng, du lịch...) nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.

Đảm bảo 100% số cơ sở nuôi biển, chủ cơ sở và người lao động tại cơ sở được tiếp cận thông tin cần thiết quy định tại Luật Thủy sản và các quy định khác có liên quan; có ít nhất 85% công nhân kỹ thuật và người lao động tại các cơ sở nuôi biển được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản biển.

Đến năm 2030

Duy trì ổn định diện tích nuôi biển (bãi triều và trong đất liền) khoảng 3.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt trên 32.000 tấn, trong đó:

- Cá biển: phát triển nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện Cát Hải tại Khu vực Hang Vẹm - Vụng O, Hòn Thoi Quýt - Gia Luận, Ghẹ Gầm - Gia Luận với tổng số 117 bè/1.872 ô lồng (3x4m), sản lượng đạt 750 tấn/năm.

- Nhuyễn thể:

* Nuôi bãi; phát triển nuôi trên địa bàn huyện Tiên Lãng với diện tích 1.900 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn.

* Nuôi giàn: phát triển tại khu vực Ghẹ Gầm - Gia Luận (huyện Cát Hải) với 42 giàn nuôi nhuyễn thể (600m/giàn), sản lượng đạt 500 tấn/năm.

- Thủy sản khác (giáp xác, rong biển...); tại các địa phương ven biển và phát triển hướng tới nuôi biển công nghiệp xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo (khu vực Cát Bà - Bạch Long Vĩ). Sản lượng đạt 6.000 tấn.

Đảm bảo 100% số cơ sở nuôi biển, chủ cơ sở và người lao động tại cơ sở được tiếp cận thông tin cần thiết quy định tại Luật Thủy sản hiện hành và các quy định khác có liên quan; 100% công nhân kỹ thuật và người lao động tại các cơ sở nuôi biển được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản biển.

Xây dựng từ 01 đến 02 mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ tiên tiến như nuôi trên hệ thống RAS, nuôi đa bậc... nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.

Thí điểm mô hình “nuôi biển công nghiệp xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo”.

Định hướng đến năm 2045

Phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển trở thành một trong những bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, có đóng góp trên 60% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Về cơ chế, chính sách

Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi biển của Trung ương và của thành phố để phát triển các khâu trong toàn chuỗi nuôi biển.

Về đầu tư: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và doanh nghiệp cho phát triển thủy sản, giảm dần tỷ lệ và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Về hỗ trợ phát triển nuôi biển: Thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng; hỗ trợ cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển và kinh phí mua bảo hiểm trong hoạt động thủy sản theo quy định pháp luật. Hỗ trợ chuyển đổi diện tích hoạt động của các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển…

2. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển

Rà soát, tổng hợp các khu vực có tiềm năng phát triển nuôi biển tại các địa phương ven biển (huyện Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Tiên Lãng...), đề xuất tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030.

3. Về quản lý và tổ chức sản xuất

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản và các quy định hiện hành đảm bảo các cơ sở nuôi biển hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển như nuôi biển, thu mua, chế biến, du lịch...Tăng cường quản lý, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp triển khai dự án nuôi trồng thủy sản sử dụng đất, mặt biển đúng mục đích; có sự phối hợp giữa các Sở, ngành trong việc thẩm định giao đất, khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường.

4. Phát triển đa dạng đối tượng nuôi biển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố, trong đó ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của thành phố, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh trạnh như nhóm cá biển, nhóm giáp xác, nhóm nhuyễn thể... với phương thức nuôi công nghiệp. Phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều và trong đất liền.

5. Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới trong sản xuất giống chất lượng cao; các công nghệ nuôi biển, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm, các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong nuôi biển. Ứng dụng công nghệ trồng cấy vi tảo, tạo ra sinh khối lớn cung cấp thức ăn cho cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý; hướng tới giảm dần tỉ lệ sử dụng và phụ thuộc vào bột cá trong sản xuất thức ăn.

6. Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển

Rà soát, đánh giá về thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bao gồm các hạng mục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ các vùng nuôi biển, vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung: Cảng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi biển; hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, trạm bơm, đê bao, đường giao thông, hệ thống điện đầu mối...

7. Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển

Rà soát và có kế hoạch ưu tiên phát triển sản xuất, cung ứng giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển chung cả nước, của thành phố, trong đó tập trung vào nhóm có giá trị kinh tế cao như: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ,...); nhuyễn thể (ngao, hàu, sò huyết,...); giáp xác (cua biển,...) và các đối tượng nuôi biển khác, tiến tới chủ động sản xuất được các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế tại địa phương như cá song, cá vược. Tăng cường áp dụng những thành tựu công nghệ mới về gia hóa và chọn giống nhằm liên tục cải tiến chất lượng của con giống bố mẹ…

8. Về quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh

Hàng năm xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, giám sát dịch bệnh động vật thuỷ sản; tiến tới áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững. Tổ chức đánh giá tác động môi trường, sức tải môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển. Liên kết, hợp tác giữa các lực lượng để tổ chức các hoạt động di dời người và sản phẩm nuôi khi có các sự cố trên biển đảm bảo an toàn và giảm thấp nhất về mức độ thiệt hại.

9. Phát triển chế biến và thương mại sản phẩm nuôi biển

Triển khai có hiệu quả các giải pháp trong Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 để thúc đẩy thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch. Lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển vào Chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chung của cả nước, của thành phố.

10. Về hợp tác quốc tế

Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp nhận khoa học công nghệ tiên tiến đối với công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển.

Tuấn Hưng

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn