TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/11/2022 16:32

Một số quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2).

Tầng ô - dôn là một lớp trong tầng bình lưu của Trái đất, có tác dụng bảo vệ Trái đất khỏi các bức xạ cực tím có hại từ Mặt trời.

1. Thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm:

- Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội;

- Triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị;

- Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Theo Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định như sau:

- Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;

- Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

- Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

3. Bảo vệ tầng ô-dôn được quy định như thế nào?

Theo Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bảo vệ tầng ô-dôn là hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm ngăn ngừa sự suy giảm tầng ô-dôn, hạn chế tác động có hại của bức xạ cực tím từ Mặt Trời.

Nội dung bảo vệ tầng ô-dôn bao gồm:

- Quản lý hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về bảo vệ tầng ô-dôn trong thiết bị có các chất này khi không còn sử dụng;

- Phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn, chất thân thiện khí hậu.

4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu được quy định như thế nào?

Theo Điều 94 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm thông tin, dữ liệu sau đây:

- Văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và quy trình chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

- Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội;

- Phát thải khí nhà kính và hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính;

- Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Bảo vệ tầng ô-dôn và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn;

- Kết quả đánh giá khí hậu quốc gia;

- Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ;

- Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

- Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

- Các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gì trong thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn?

Theo Điều 96 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

- Là đầu mối tổ chức thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Tổ chức xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, báo cáo minh bạch 02 năm một lần và các báo cáo quốc gia khác về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Xây dựng cơ chế, chính sách huy động và quản lý nguồn lực để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đình Khải

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn