TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/05/2021 15:59

Những điểm mới nổi bật của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam

Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2020.

Để thuận lợi cho nghiên cứu, tìm hiểu, Trang phổ biến, giáo dục pháp luật thông tin một số điểm mới nổi bật của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP như sau:

Một là, bổ sung quy định về hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Trong các văn bản pháp luật về quốc tịch trước đây do không có quy định này, nên rất nhiều trường hợp mặc dù đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sử dụng Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân…để chứng minh tư cách công dân Việt Nam trong các giao dịch. Vì vậy, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người có liên quan. Theo đó, kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam (gồm: Giấy khai sinh; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi) đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Hai là, khẳng định lại nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật Quốc tịch, tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Điều 4 của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch Việt Nam như sau: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Quy định này của Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quốc tịch Việt Nam, đó là công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay, được thể hiện rõ trong Luật Quốc tịch các năm 1988, 1998 và 2008.

Thực tế, Luật Quốc tịch Việt Nam chỉ quy định một số trường hợp ngoại lệ (theo khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 23) về việc người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không phải thôi quốc tịch nước ngoài, “trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”. Nhưng việc một người không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi được nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Việt Nam công nhận quốc tịch nước ngoài của người đó. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn pháp luật của nhiều nước (như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Hàn Quốc...), tuy các nước này không bắt buộc công dân nước ngoài phải thôi quốc tịch gốc khi nhập quốc tịch của họ, nhưng sau khi được nhập quốc tịch thì các nước này chỉ coi đó là công dân của họ và trên giấy tờ cá nhân chỉ ghi duy nhất 1 quốc tịch của nước mình. Để giải quyết vấn đề hai quốc tịch, ngoài việc các quốc gia liên quan phải ký kết với nhau điều ước quốc tế để thỏa thuận về các quyền, nghĩa vụ dân sự, chính trị của người hai quốc tịch, thì quốc gia còn ban hành nội luật để xác định rõ tư cách công dân đối với người hai quốc tịch. Luật Quốc tịch Việt Nam cũng đã tính đến việc xử lý các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nhưng đến nay, Việt Nam chưa là thành viên của điều ước quốc tế nào liên quan đến việc giải quyết tình trạng hai quốc tịch. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là người có hai quốc tịch (Việt Nam và nước ngoài) sử dụng quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài - là hoàn toàn phụ thuộc sự lựa chọn của họ - trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thậm chí còn gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của công dân khác (đơn cử như trường hợp một công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu quốc tịch Anh để khai báo khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Việt Nam thời gian qua).

Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 5  Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã có quy định về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Theo đó, Nhà nước ta chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với người có hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài) khi người đó tham gia các quan hệ/giao dịch với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Ba là, những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch

Điều 6 Nghị định số 16/2009/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi: Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch; Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định; Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Bốn là, quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng đúng quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.  Do quy định này chưa được hướng dẫn đầy đủ và chi tiết nên dẫn đến cách hiểu khác nhau. Nhiều người đơn giản cho rằng, họ chỉ cần có vợ, chồng, cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì đương nhiên được coi là “trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Khi bị từ chối giải quyết, thì phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam đối với người xin giữ quốc tịch nước ngoài, Điều 9 Nghị định đã quy định rõ hơn về các trường hợp đặc biệt: Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ 05 điều kiện nêu trên thì được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Đối với trường hợp khác (không thuộc đặc biệt), UBND cấp tỉnh và Bộ Tư pháp yêu cầu người đó phải thôi quốc tịch nước ngoài theo quy định chung của pháp luật quốc tịch khi xem xét hồ sơ quốc tịch.

Như vậy, với những điểm mới nêu trên, có thể thấy Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong công tác quốc tịch thời gian qua; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các loại việc về quốc tịch.

 

Quang Hưng

Lượt truy cập: 1590561
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn

EMC Đã kết nối EMC