TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/03/2023 08:48

Quy định chung về hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022

 

Hoạt động thanh tra được quy định tại mục 1 Chương IV Luật Thanh tra (từ Điều 44 đến Điều 57), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

1. Hình thức thanh tra

Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.

Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

2. Thời hạn thanh tra

Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau: Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày; Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Thời gian tạm dừng cuộc thanh tra không tính vào thời hạn thanh tra.

3. Gia hạn thời hạn thanh tra

Các trường hợp phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm: Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra; Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.

Các trường hợp đặc biệt phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm: Cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương; Cuộc thanh tra có ít nhất 02 yếu tố (cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương).

Việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Trưởng đoàn thanh tra có văn bản gửi người ra quyết định thanh tra đề nghị gia hạn thời hạn thanh tra kèm theo dự thảo quyết định gia hạn thời hạn thanh tra; văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn.

Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi đến Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính

Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây: Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra; Ban hành quyết định thanh tra; Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây: Công bố quyết định thanh tra; Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây: Báo cáo kết quả thanh tra; Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; Ban hành kết luận thanh tra; Công khai kết luận thanh tra.

5. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:

- Chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì không thông báo việc công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra. Trường hợp để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp, trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thể quyết định việc thu thập thông tin theo quy định.

- Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản về hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra; trường hợp đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và tiếp tục thực hiện thanh tra theo kế hoạch; Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp;

- Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định (người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra); ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.

Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định nêu trên thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định nêu trên nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.

6. Căn cứ ra quyết định thanh tra

Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây: Kế hoạch thanh tra; Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.

7. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm sau đây: Yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc hoạt động thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; Xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các kiến nghị của Đoàn thanh tra các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng phạm vi, nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.

8. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Thành viên Đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của Trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về kết quả thanh tra của mình.

9. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra

Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Đoàn thanh tra đã phát hiện báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên Đoàn thanh tra đã phát hiện báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng Trưởng đoàn thanh tra không xử lý thì thành viên đó không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

10. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước. Chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra được xử lý như sau:

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Chính phủ với cơ quan thanh tra khác thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra Bộ thì các Chánh Thanh tra Bộ trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra Tổng cục, Cục với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ thì Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Thủ trưởng cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Chánh Thanh tra Bộ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thanh tra;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra Tổng cục, Cục trong cùng một Bộ thì các Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Chánh Thanh tra Bộ xem xét, quyết định;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra tỉnh với Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra tỉnh trao đổi với Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra sở thì các Chánh Thanh tra sở trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xem xét, quyết định;

- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra sở với Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra sở trao đổi với Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra sở tiến hành thanh tra;

- Việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của cơ quan thanh tra của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với cơ quan thanh tra khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quy định khi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thành lập.

Việc xử lý chồng chéo, trùng lặp phát sinh trong hoạt động của các cơ quan thanh tra không thuộc các trường hợp nêu trên do Tổng Thanh tra Chính phủ quy định hoặc xem xét, xử lý.

11. Thanh tra lại

Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra; Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.

Kết luận thanh tra lại phải có các nội dung:

- Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra hành chính; đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên ngành;

- Kết luận về nội dung thanh tra;

- Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

- Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục và phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.

12. Hồ sơ thanh tra

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc lập, bàn giao hồ sơ thanh tra.

Việc mở hồ sơ thanh tra bắt đầu từ ngày người có thẩm quyền ký ban hành quyết định thanh tra và kết thúc hồ sơ vào ngày người có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm hoàn thành việc lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.

Tuấn Hưng

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn