TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/07/2021 09:16

Quy định pháp luật về tình huống khẩn cấp về thiên tai; huy động, phân bổ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

(theo Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều)

  1. Tình huống khẩn cấp về thiên tai được quy định như thế nào?

Theo Điều 12, tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.

- Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm các thông tin chính sau:

+ Diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; sự cố công trình phòng, chống thiên tai hoặc sự cố công trình xây dựng ảnh hưởng do thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến an toàn về người;

+ Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra;

+ Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.

- Thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai:

+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;

+ Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;

+ Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;

+ Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai;

+ Trách nhiệm ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tình huống khẩn cấp: Thực hiện theo nguyên tắc quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định này và phân công tại Quyết định công bố tình huống khẩn cấp. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phối hợp với Chủ tịch UBND cấp tỉnh chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

- Các biện pháp được áp dụng trong tình huống khẩn cấp:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:

+ Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;

+ Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;

+ Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

+ Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;

+ Các biện pháp cần thiết khác;

+ Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

2. Quy định về huy động, phân bổ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Điều 17, trách nhiệm, thẩm quyền phân bổ nguồn lực tài chính như sau:

+ UBND các cấp căn cứ đề xuất của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả.

Trường hợp vượt quá khả năng cân đối của địa phương, UBND các cấp đề xuất nhu cầu, báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên, UBND cấp tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ đề xuất của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bố trí, phân bổ nguồn lực trong phạm vi chức năng, quyền hạn để khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương theo thẩm quyền; trường hợp quá khả năng, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Quy trình huy động và sử dụng ngân sách địa phương:

+ Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp quyết định sử dụng ngân sách cấp mình để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

+ Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, sau khi sử dụng ngân sách cấp mình để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, UBND các cấp báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới;

+ Căn cứ Quyết định hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai của UBND cấp trên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp dưới có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp phân bổ kịp thời để triển khai thực hiện, thời hạn chậm nhất 20 ngày kể từ ngày có quyết định hỗ trợ; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo;

+ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất UBND cùng cấp xem xét thu hồi, điều chuyển kinh phí hỗ trợ và xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng hoặc để chậm trễ, gây lãng phí, kém hiệu quả.

- Quy trình huy động và triển khai nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương:

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động sử dụng dự toán kinh phí được giao hằng năm; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối, sau khi sử dụng kinh phí được giao, ngân sách địa phương để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo;

+ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ;

+ Căn cứ Quyết định hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh phân bổ kịp thời để triển khai thực hiện, thời hạn chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trước ngày 25 tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

+ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nguồn lực được hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thu hồi kinh phí hỗ trợ và xử lý các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, đối tượng hoặc để chậm trễ, không kịp thời, gây lãng phí, kém hiệu quả. Đối với những công trình sử dụng kinh phí hỗ trợ lớn hoặc có tính chất kỹ thuật phức tạp, để đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả đầu tư, căn cứ báo cáo phân bổ của các địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thông báo UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ kỹ thuật để cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có ý kiến hoặc phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành có ý kiến làm cơ sở phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Quy trình huy động và triển khai hỗ trợ từ quỹ dự trữ tài chính

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổng hợp nhu cầu hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai từ các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ từ quỹ dự trữ tài chính Trung ương

- Quy trình huy động và triển khai hỗ trợ từ quỹ phòng chống thiên tai

thực hiện theo quy định của pháp luật về việc thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai.

3. Hỗ trợ về hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Điều 18, hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia: Việc phân phối, hỗ trợ hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hóa dự trữ quốc gia.

- Hỗ trợ về dân sinh: Hỗ trợ về dân sinh bao gồm hỗ trợ về lương thực, hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai; đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai; mức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

- Hỗ trợ về nhà ở bị thiệt hại do thiên tai: Đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trường hợp thiên tai gây thiệt hại lớn về nhà ở, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư

Theo Điều 19, căn cứ quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai, UBND, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp triển khai hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư, đảm bảo kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân.

- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và các lực lượng tại chỗ rà soát, xác định số hộ cần di dời khẩn cấp, báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp. UBND cấp xã chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc xác minh, báo cáo kịp thời Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời.

- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tổng hợp về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các quy định hiện hành, UBND cấp huyện giao đất, bố trí chỗ ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Trường hợp vượt quá khả năng, UBND cấp huyện báo cáo, đề xuất Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu các huyện, báo cáo UBND cấp tỉnh. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua trưng dụng và các quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh giao đất, bố trí nơi ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để hỗ trợ di dời. Trường hợp vượt quá khả năng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý.

- UBND cấp tỉnh huy động các nguồn lực hợp pháp và quy định trình tự chi tiết, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù của địa phương.

Thu Hương

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn