TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 31/03/2023 10:51

Thay đổi dân tộc của cá nhân

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền thay đổi dân tộc. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp cá nhân đều được thay đổi dân tộc mà chỉ có 02 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Thay đổi dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ nếu cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau.

Khi sinh ra, cá nhân sẽ được khai sinh theo dân tộc của cha mẹ đẻ. Khi cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì được xác định như sau:

- Theo dân tộc của một trong hai bên là theo dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ nếu cha mẹ có thoả thuận con khai sinh với dân tộc của cha hoặc mẹ đẻ theo thoả thuận.

- Xác định theo tập quán nếu cha mẹ đẻ không có thoả thuận.

- Xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn của cha hoặc mẹ đẻ nếu tập quán của dân tộc cha và tập quán của dân tộc mẹ khác nhau.

Do vậy, trường hợp này, nếu ban đầu xác định theo dân tộc của cha đẻ thì sau này có thể thay đổi lại thành dân tộc của mẹ đẻ khi cha mẹ đẻ có các dân tộc khác nhau.

Trường hợp 2: Sau khi con nuôi đã xác định được cha mẹ đẻ của mình thì được thay đổi dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.

Khi trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha, mẹ đẻ, đã được nhận làm con nuôi thì dân tộc của người con nuôi sẽ được xác định theo cha nuôi hoặc mẹ nuôi nếu cha mẹ nuôi có thoả thuận quyết định dân tộc của con nuôi sẽ theo của cha nuôi hay mẹ nuôi. Trường hợp này chỉ được một người là cha nuôi hoặc một người là mẹ nuôi nhận nuôi thì dân tộc của trẻ sẽ được xác định theo dân tộc của người nhận nuôi đó.

Lưu ý: Nếu thay đổi dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được sự đồng ý của người này.

Thủ tục thay đổi dân tộc của cá nhân trong giấy khai sinh

Theo quy định tại Điều 28 và Điều 46, 47 Luật Hộ tịch năm 2014, thủ tục thay đổi dân tộc trong giấy khai sinh được thực hiện như sau:

1 Giấy tờ cần chuẩn bị khi thay đổi dân tộc

- Tờ khai thay đổi dân tộc (Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc ban hành kèm phụ lục Thông tư 04/2020/TT-BTP). Mục “đề nghị cơ quan đăng ký việc” cần nêu rõ là “thủ tục xác định lại dân tộc” cho người có họ tên, giới tính…

- Giấy tờ chứng minh việc thay đổi dân tộc của cá nhân. Tuỳ vào từng trường hợp được thay đổi dân tộc, cá nhân phải cung cấp giấy tờ chứng minh tương ứng. Có thể kể đến:

Trường hợp 1: Thoả thuận của cha mẹ đẻ, giấy khai sinh của người con.

Trường hợp 2: Giấy xác nhận nhận con nuôi, giấy xác nhận thôi làm con nuôi, giấy khai sinh của người thay đổi dân tộc, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc giấy khai sinh của cha mẹ đẻ…

Ngoài các giấy tờ cần nộp ở trên, người đi thay đổi dân tộc còn cần phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng để xác định danh tính người yêu cầu.

2. Cơ quan có thẩm quyền thay đổi dân tộc

- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của người yêu cầu thay đổi dân tộc nếu thay đổi dân tộc cho công dân Việt Nam ở trong nước.

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài (người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch ở Việt Nam);

Người Việt Nam hiện đã định cư nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây (nếu người thay đổi dân tộc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Đã đăng ký trước đây hoặc nơi cư trú của công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sống trong nước.

Quang Huy

         

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn