TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/03/2023 08:49

Quy định mới về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Những nội dung về Nhân dân bàn và quyết định được quy định tại mục 2 chương II Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 (từ Điều 15 đến Điều 23).

1. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định (Điều 15)

- Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.

- Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

- Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

- Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

- Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

2. Đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định (Điều 16)

- Đối với các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định nội dung, lựa chọn hình thức và chỉ đạo, hướng dẫn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân bàn và quyết định.

- Đối với các nội dung chỉ có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

- Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất về nội dung và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

Trường hợp sáng kiến của công dân chưa có đủ 10% tổng số hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tán thành thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

Việc thu thập ý kiến đồng thuận của các hộ gia đình có thể thực hiện trực tiếp tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, bằng văn bản thể hiện ý kiến đồng ý của đại diện hộ gia đình hoặc hình thức thể hiện ý kiến khác phù hợp với điều kiện thực tế tại cộng đồng dân cư. Công dân có sáng kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng và danh sách hộ gia đình đồng thuận. Ý kiến đồng thuận với sáng kiến của công dân có giá trị trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thể hiện ý kiến.

3. Hình thức Nhân dân bàn và quyết định (Điều 17)

- Tùy theo nội dung được đề xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định bằng một trong các hình thức sau đây:

+ Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư;

+ Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình;

+ Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.

- Việc bàn, quyết định các nội dung phải được thực hiện tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, trừ trường hợp cộng đồng dân cư đã tổ chức cuộc họp mà không có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự để có thể đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành tối thiểu. Hình thức phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hình thức biểu quyết trực tuyến chỉ áp dụng trong trường hợp cộng đồng dân cư quyết định các công việc mà Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố thấy không cần thiết tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.

- Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định thì thực hiện theo quy định đó.

4. Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư (Điều 18)

- Cuộc họp của cộng đồng dân cư do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì tổ chức; trường hợp cuộc họp để bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trường hợp khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ định đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố hoặc triệu tập viên là công dân có uy tín cư trú tại thôn, tổ dân phố đó để triệu tập và tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.

Thành phần tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư gồm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố.

- Đại diện hộ gia đình là ngưi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng đại diện được cho các thành viên hộ gia đình; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì đại diện hộ gia đình là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử hoặc ủy nhiệm.

- Trường hợp thôn, tổ dân phố có từ 200 hộ gia đình trở lên hoặc có địa bàn dân cư sinh sống không tập trung thì có thể tổ chức các cuộc họp theo từng cụm dân cư.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có thể ủy quyền cho thành viên Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố hoặc một công dân có uy tín cư trú tại cụm dân cư chủ trì, điều hành cuộc họp của cụm dân cư và báo cáo kết quả với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để tổng hợp vào kết quả chung của toàn thôn, tổ dân phố.

- Trình tự tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư được thực hiện như sau:

+ Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, nêu mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc họp; giới thiệu người để cuộc họp biểu quyết cử làm thư ký;

+ Người chủ trì cuộc họp trình bày những nội dung đưa ra để xem xét, thảo luận tại cuộc họp;

+ Những người tham gia cuộc họp thảo luận;

+ Người chủ trì cuộc họp tổng hợp chung các ý kiến thảo luận tại cuộc họp; đề xuất các nội dung và phương án biểu quyết đối với các nội dung đã được thảo luận. Việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do các thành viên tham dự cuộc họp quyết định. Trường hợp bỏ phiếu kín thì cuộc họp bầu ra Ban kiểm phiếu để thực hiện việc tổ chức bỏ phiếu kín;

+ Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết và kết luận cuộc họp.

5. Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình (Điều 19)

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức gửi phiếu biểu quyết đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến biểu quyết về các nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố hoặc trong địa bàn cấp xã đối với các trường hợp sau đây:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình đối với nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã;

+ Cộng đồng dân cư đã tổ chức cuộc họp mà không có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự để có thể đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành tối thiểu;

+ Các trường hợp khác do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố quyết định sau khi đã thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố xây dựng kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến; thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến có từ 03 đến 05 thành viên và công khai thông tin đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố về nội dung lấy ý kiến, thời điểm, thời hạn lấy ý kiến, thành phần Tổ phát phiếu lấy ý kiến chậm nhất là 02 ngày trước ngày thực hiện việc phát phiếu lấy ý kiến.

- Mỗi hộ gia đình được phát 01 phiếu lấy ý kiến. Tổ phát phiếu có nhiệm vụ gửi phiếu lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình, tổ chức thu phiếu theo đúng thời hạn đã được xác định và tổng hợp đầy đủ, khách quan kết quả phiếu lấy ý kiến.

6. Quyết định của cộng đồng dân cư (Điều 20)

- Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.

- Quyết định của cộng đồng dân cư gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Thời gian cộng đồng dân cư bàn và quyết định;

+ Tổng số hộ gia đình thuộc cộng đồng dân cư; số người đại diện hộ gia đình có mặt; số hộ gia đình không có người đại diện tham dự; 

+ Nội dung cộng đồng dân cư bàn;

+ Hình thức cộng đồng dân cư quyết định;

+ Kết quả biểu quyết tại cuộc họp hoặc tổng hợp phiếu lấy ý kiến, kết quả biểu quyết trực tuyến của hộ gia đình;

+ Nội dung quyết định của cộng đồng dân cư;

+ Chữ ký của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và 02 đại diện của các hộ gia đình.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày cộng đồng dân cư tổ chức họp biểu quyết hoặc kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu, biểu quyết trực tuyến, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

7. Hiệu lực của quyết định của cộng đồng dân cư (Điều 21)

- Quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành. Quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số thôn, tổ dân phố trở lên tán thành. Quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

- Quyết định của cộng đồng dân cư về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố có hiệu lực kể từ ngày được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua. Quyết định này có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã, thì thời điểm có hiệu lực do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở tổng hợp kết quả biểu quyết của cộng đồng dân cư.

- Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận.

- Quyết định của cộng đồng dân cư về bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ban hành quyết định công nhận.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải ban hành quyết định công nhận; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư (Điều 22)

- Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội;

+ Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

- Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư đối với trường hợp có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định bãi bỏ hoặc đề nghị cộng đồng dân cư sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp đối với trường hợp không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quyết định bãi bỏ hoặc văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quyết định của cộng đồng dân cư phải được Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân và được gửi đồng thời đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

- Cộng đồng dân cư tự mình quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của mình khi xét thấy cần thiết hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quyết định của mình theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã theo trình tự, thủ tục

9. Trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư  (Điều 23)

- Ủy ban nhân dân cấp xã có kế hoạch tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư thuộc phạm vi cấp xã; kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố.

Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã tại kỳ họp thường lệ gần nhất, đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để giám sát.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm công khai kết quả biểu quyết hoặc kết quả tổng hợp phiếu lấy ý kiến của Nhân dân tại thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố; báo cáo kết quả thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố và đến Ủy ban nhân dân cấp xã. 

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện các nội dung Nhân dân bàn, quyết định.

- Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; việc biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

10. Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bàn, quyết định các nội dung, công việc ở cơ sở (Điều 24)

- Công dân, hộ gia đình tích cực quan tâm đến công việc chung của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham gia họp bàn, thảo luận, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, trong địa bàn cấp xã; thực hiện nghiêm túc các nội dung thuộc trách nhiệm đã được cộng đồng dân cư quyết định.

- Đại diện hộ gia đình có trách nhiệm tham dự các cuộc họp của cộng đồng dân cư; tập hợp, nắm bắt ý kiến chung của các thành viên hộ gia đình để phản ánh, tham gia thảo luận tại cuộc họp hoặc thể hiện trên phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; phổ biến, truyền đạt lại cho các thành viên hộ gia đình về kết quả bàn, thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư. Trường hợp thành viên hộ gia đình có ý kiến khác với ý kiến của đại diện hộ gia đình thì được đăng ký tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư để thể hiện ý kiến, quan điểm của mình tại cuộc họp.

- Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tích cực, gương mẫu tham gia bàn và quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, trong địa bàn cấp xã; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền, hướng dẫn, vận động gia đình và các thành viên trong cộng đồng thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư.

- Trường hợp nhận thấy quyết định của cộng đồng dân cư không bảo đảm trình tự, thủ tục hoặc có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội thì công dân có quyền kiến nghị, phản ánh đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Thanh tra nhân dân.

Phan Hương

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn