TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/12/2020 14:46

NGHĨA VỤ QUÂN SỰ: TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI!

Trong thời bình cũng như thời chiến, việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả của mỗi công dân, nhất là lực lượng thanh niên. Thực tế cho thấy, trong thời gian được học tập, rèn luyện ở môi trường quân ngũ đã giúp nhiều bạn trẻ ngày càng rắn rỏi, trưởng thành hơn, sẵn sàng đối mặt, vượt qua thử thách trong cuộc sống. Môi trường kỷ luật đặc biệt ấy còn tôi luyện cho tuổi trẻ sự tự giác, khuôn phép, ý thức, nền nếp, chỉn chu, biết quan tâm, sẻ chia với mọi người. Bên cạnh đó, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước.       

Có rất nhiều thanh niên ưu tú, tha thiết với việc học tập nhưng vẫn sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lại có trường hợp, hai anh em trong một gia đình đều tình nguyện mong muốn được đóng góp sức trẻ cho công cuộc bảo vệ đất nước, tô điểm sơn hà... Tuy nhiên, trái với những tinh thần cao cả đó, một số bạn trẻ hiện nay chưa hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Thậm chí, trên một số trang web, mạng xã hội…, các bạn trẻ thông qua bình luận (cả tương tác), quay clip minh họa để bày cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Có bạn sau khi được xem “hướng dẫn” đã áp dụng ngay trong ngày khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, những “tiểu xảo” ấy đã được cơ quan chức năng phát hiện. Điều đó thật đáng xấu hổ và đi ngược với thông điệp sống đẹp đẽ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016: Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ phạt tiền đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự cũng chỉ là số ít. Chúng ta vẫn vững tin sẽ có nhiều tấm gương trẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, bởi họ mang trong mình lòng tự hào về truyền thống và những cống hiến của lớp lớp thế hệ cha anh. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng, các bạn trẻ cần sẵn sàng lên đường nhập ngũ (nếu trúng tuyển), thay vì trốn tránh.

Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi: “Nghĩa vụ quân sự - Trách nhiệm không của riêng ai” là lời cảnh tỉnh cho những ai còn có thái độ thờ ơ hay cố tình lảng tránh nghĩa vụ quân sự, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi, tự giác thực hiện nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc một cách trân trọng, tự hào.

I. Nhân vật:

- Chị Dung

- Tuấn (con chị Dung)

- Anh Chiến (Trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã).

II. Nội dung tiểu phẩm:

Nhà chị Dung chỉ có hai mẹ con là chị và thằng Tuấn. Chồng mất sớm, chị không đi “bước nữa” mà ở vậy nuôi con. Bao nhiêu tình cảm yêu thương chị đều dồn hết cho con nên luôn cưng chiều con như trứng mỏng. Học hết cấp 3, Tuấn không thi đỗ vào trường đại học nào. Nhiều người khuyên chị cho con đi học nghề để sau này “kiếm” được việc làm nhưng chị vẫn dùng dằng chưa muốn cho con đi học nghề vì thương con vất vả. Chị bảo con: “Cứ nghỉ ngơi thêm ít bữa nữa cho khỏe người rồi từ từ mẹ tính”. Hơn 18 tuổi, hàng ngày Tuấn vẫn mải mê chơi game với đám thanh niên đầu ngõ.

Phần 1. Một buổi chiều muộn, Tuấn cầm tờ giấy trên tay hớt hải chạy từ cổng vào…

Tuấn: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ cứu con!

Chị Dung: Mẹ đây! Mẹ đây! Sao thế? Ai đánh con à? Đứa nào dám động vào con trai mẹ.

Tuấn: Không! Không, không phải con bị đánh mà mẹ xem đây này (chìa tờ giấy ra trước mặt chị Dung).

Chị Dung (giương kính lên đọc):  Giấy Thông báo khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Nhìn con, tần ngần): Đã đến thời gian khám sức khỏe rồi hả con?

Tuấn: Mẹ! Mẹ phải cứu con! Con không muốn đi đâu hết. Con chỉ ở với mẹ thôi.

Chị Dung: Ừ, từ từ để mẹ tính nào. Đây mới là giấy thông báo thôi. Tuần sau mới đi khám mà con.

          Phần 2. Một tuần sau, khi chị Dung đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì anh Chiến là Trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã gọi cửa.

          Anh Chiến: Chị Dung có nhà không ạ?

Tuấn: Mẹ ơi, hình như chú Chiến đến đấy. Làm thế nào bây giờ hả mẹ?

Chị Dung: Con cứ lên nhà đi. Tất cả làm như những gì mẹ bảo nhé. Nhớ phải giả vờ như thật đấy nhé!

Tuấn: Vâng, con lên ngay đây.

Anh Chiến bước vào nhà.

Anh Chiến: Em chào chị! Chị đang bận việc hay sao mà em gọi mãi không thấy ai. Thấy cổng đang mở, em mạo muội vào trong này.

Chị Dung: À vâng, tôi chào chú! Chú ngồi chơi uống nước. Tôi đang dở tay làm con cá, chuẩn bị nấu cơm chú ạ. Có việc gì mà chú đến tận nhà tôi thế này?

 Anh Chiến: Em qua đây là để nhắc cháu Tuấn nhà mình 8h sáng ngày mai có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chị nhớ nhắc cháu đến đúng giờ nhé. Thanh niên khu mình đang háo hức việc này lắm. Cháu Tuấn nhà mình đi đâu mà mấy hôm nay sao chẳng thấy đâu hả chị?

Chị Dung: Ôi chú ơi, tôi đang nẫu hết cả ruột, cả gan vì thằng Tuấn đây này!

Anh Chiến: Có chuyện gì đấy chị?

Chị Dung: Chú ơi, tuần trước thằng Tuấn nhà tôi bị sốt virut. Tôi cứ lo bầm ruột vì sợ cô vít, cô vy gì đấy. May quá bây giờ thì khỏi rồi. Nhưng không hiểu làm sao, từ bấy đến giờ nó cứ như người mất hồn, ăn nói linh tinh không đâu vào đâu cả. Có khi bữa tới, tôi phải thu xếp cho cháu nó sang bệnh viện thần kinh khám xem có ảnh hưởng gì không. Tôi lo lắng lắm…

Anh Chiến: Nặng thế cơ hả chị? Mà chị cứ bình tĩnh, chắc không quá lo đâu! Mấy bữa trước, em gặp cháu thấy vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh mà!

Chị Dung: Ôi chú ơi, nặng lắm chú ạ!

Tuấn từ trên gác chạy xuống, một tay cầm chổi, tay kia cầm cái gối ôm.

Tuấn: Hú… Há…Hú... Tránh ra! Tránh ra! Ta là siêu nhân đây. Quái vật mau tránh ra. Ta vừa giải cứu được em bé đây này! Bé ơi, ngủ ngoan, đêm đã khuya rồi... Mẹ ơi, em bé muốn uống sữa.

          Chị Dung: Kìa, con! À, siêu nhân của mẹ! Siêu nhân đi lên nhà đi.

          Tuấn: Ơ, theo “kịch bản” của mẹ, đến đoạn này mẹ phải đưa sữa cho con chứ!

          (Chị Dung cấu vào tay và chặn miệng Tuấn).

Tuấn: Sao mẹ lại không cho con nói? Mẹ chẳng dặn con phải tuân theo đúng “kịch bản” của mẹ là gì?

Phần 3.

Anh Chiến: Chị…. Tuấn…. Như thế là thế nào hả chị?

Chị Dung (đứng chẳng vững, tay vịn vào cửa): Chú Chiến, thì là…, là…

Anh Chiến: Vậy là chị và cháu Tuấn “đóng kịch” với em. Tại sao chị lại phải làm như thế?

Chị Dung: Chú ơi, chú cứ bình tĩnh nghe tôi nói hẵng. Hoàn cảnh nhà tôi không nói chú cũng biết rồi. Chồng tôi mất sớm. Nhà có hai mẹ con trông cậy vào nhau. Thế nên, tôi không nỡ cho cháu đi nghĩa vụ quân sự chú ạ. Chú xem, hoàn cảnh gia đình nhà tôi như vậy có tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự cho cháu được không?

Anh Chiến: Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mỗi công dân chứ không của riêng ai. Luật Nghĩa vụ quân sự quy định rất cụ thể các trường hợp được miễn, được hoãn nghĩa vụ quân sự. Em hướng dẫn cho chị và cháu nhé!

(Anh rút trong cặp ra cuốn Luật Nghĩa vụ quân sự và đọc to rõ ràng):

 Miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với các trường hợp sau đây:

- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

(Giở trang sách, anh Chiến nói tiếp): Việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự được thực hiện đối với các đối tượng:

- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ;

- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng nề do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn;

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn;

- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang học đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, cháu Tuấn nhà mình không thuộc diện được miễn hay được hoãn nghĩa vụ quân sự. Hơn nữa, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự còn giúp các cháu có cơ hội tự rèn luyện ý thức, đạo đức, trách nhiệm. Đáng lẽ, chị cần khuyến khích, động viên cháu tự giác chấp hành mới đúng. Đằng này, chị lại bảo cháu làm như vậy là sai rồi chị ạ.

Chị Dung (tỏ vẻ xấu hổ nhưng vẫn cố tình nói lý): Tôi tưởng những người không đủ sức khỏe thì được miễn nhập ngũ. Đây, chú xem này, người nó gầy nhẳng như thế kia thì đi khám chỉ mất công thôi.

Anh Chiến: Việc khám nghĩa vụ quân sự là giai đoạn đầu tiên. Đó là nhiệm vụ bắt buộc của mọi công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn việc có đủ điều kiện, đủ sức khỏe hay không sẽ do Hội đồng quân sự thành phố quyết định. Ngày mai, cháu Tuấn mà không đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự là sẽ bị xử phạt hành chính đó chị.

Chị Dung: Bị phạt à? Mà nộp phạt cũng được. Chú cho tôi nộp phạt, miễn là cháu nó không phải đi nghĩa vụ là được mà.

Anh Chiến:

Chị ạ! Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu đã quy định: Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng với hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng, có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng…

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm vẫn phải đi khám theo đúng thời gian, kế hoạch của Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự đề ra nữa đấy. Nếu tái phạm có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuấn (hốt hoảng): Truy cứu trách nhiệm hình sự có nghĩa là cháu phải ngồi tù hả chú?

Chị Dung: Pháp luật quy định thật thế hả chú?

Anh Chiến: Đúng rồi chị ạ! Theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 có quy định: Nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Lôi kéo người khác phạm tội… mức phạt tối đa là 5 năm tù.

Chị Dung: Trời ạ, thế mà tôi nghĩ đơn giản quá. Thế cháu Tuấn đi nghĩa vụ quân sự thì có được hưởng quyền lợi gì không chú?

Anh Chiến: Có đấy chị ạ! Công dân đi nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng một số quyền lợi cơ bản như: được nghỉ phép 10 ngày nếu phục vụ tại ngũ từ tháng 13 trở đi; được hưởng nhiều khoản trợ cấp khi xuất ngũ và đặc biệt còn được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm nữa chị ạ. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau khi xuất ngũ được tiếp nhận vào học tiếp tại các trường mà trước khi nhập ngũ đang học hoặc có giấy gọi; Nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề; Được tiếp nhận vào làm việc, bố trí việc làm tại nơi trước khi nhập ngũ…

Chị Dung: Vâng, thế thì tốt quá chú ạ! Tôi cũng đang tính phải kiếm cho con việc làm chứ lêu lổng mãi cũng sinh hư.

Anh Chiến: (quay sang Tuấn): Mà Tuấn nghe chú nói này. Việc thực hiện nghĩa vụ không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ đâu. Đây còn là cơ hội để cháu rèn luyện ý chí, nghị lực là những điều rất cần thiết trong cuộc sống. Cháu thấy đấy, ai đi nghĩa vụ quân sự về cũng rắn rỏi, chững chạc hơn. Cháu cố gắng rèn luyện, phấn đấu thì sau này mới có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ cháu nữa chứ.

Tuấn (cúi đầu, đáp lí nhí): Vâng, cháu biết cháu sai rồi ạ. Cháu sẽ không trốn tránh nữa đâu. Mai cháu sẽ ra Ủy ban để khám sức khỏe theo đúng giờ đã được thông báo chú ạ!

Chị Dung: May nhờ có chú đến nhắc nhở, phân tích nên mẹ con tôi cũng được sáng tỏ nhiều điều. Suýt chút nữa, vì thiếu hiểu biết mà mẹ con tôi vi phạm pháp luật. Giờ tôi cũng mới hiểu hơn ý nghĩa, trách nhiệm của mình trong việc động viên, giáo dục con ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Sáng mai, cháu Tuấn sẽ đi khám sức khỏe theo quy định. Thành thật xin lỗi và mong chú thông cảm nhé!

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn