TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 01/08/2022 09:53

Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Người thi hành công vụ nếu gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thì phải có trách nhiệm bồi thường. Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về vấn đề này, Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Bồi thường nhà nước là gì?

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 không định nghĩa Bồi thường nhà nước là gì. Tuy nhiên, tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nêu: Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Trong đó, thiệt hại có thể gồm thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định.

Đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường (Điều 2 và Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017):

- Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

+ Người bị thiệt hại;

+ Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

+ Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015;

+ Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước (Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

- Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

- Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định.

- Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ khi người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường đối với 02 trường hợp:

+ Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường sau khi Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường đã ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường do người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại.

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường theo quy định mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành theo quy định mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành.

- Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định.

- Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường (Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

Trừ trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường sau khi Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường đã ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường do người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

- Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

+ Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

+ Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

- Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường nêu trên.

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước (Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

- Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

+ Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định;

+ Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định;

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

- Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

+ Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường (Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

- Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền sau đây:

+ Yêu cầu một trong các cơ quan quy định giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường;

+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật;

+ Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;

+ Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường;

+ Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình;

+ Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường;

+ Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại;

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo pháp luật, người thừa kế của người bị thiệt hại hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại nêu trên.

- Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại nêu trên trong phạm vi ủy quyền trừ quyền: Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại (Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

- Người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền sau đây:

+ Được nhận văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;

+ Tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố cáo;

Khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả và kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố tụng hành chính;

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin, tài liệu của mình;

+ Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

+ Hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn