TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/12/2021 10:52

Các tình huống hỏi - đáp pháp luật về đối tượng là thanh, thiếu niên

Câu 1: Con tôi năm nay 14 tuổi, vừa qua cháu được ông bà tặng một món quà là sổ tiết kiệm với số tiền là 200.000.000 đồng. Đây là tài sản riêng của cháu. Tôi muốn biết, pháp luật quy định như thế nào về việc quản lý tài sản riêng của con?

Trả lời: Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định việc quản lý tài sản riêng của con như sau:

- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

- Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, con bạn năm nay 14 tuổi, cháu chưa đủ tuổi để tự quản lý tài sản riêng. Do đó, nếu cháu không thuộc trường hợp đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bố mẹ cháu sẽ là người quản lý tài sản riêng cho cháu.

Câu 2: Cháu A năm nay 16 tuổi nhưng sớm bỏ học và giao du với đám bạn xấu. Vừa qua, công an phường bắt quả tang một nhóm người đang đánh tá lả trong đó có cháu A. Trên chiếu bạc Công an thu giữ được số tiền là 2.000.000 đồng. Xin hỏi, hành vi của cháu A sẽ bị xử phạt như thế nào? Cháu A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

          Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 6 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, mức xử phạt đối với hành vi đánh bạc được quy định như sau:

        “2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm a Khoản 3; Điểm b, c, d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này”.

Như vậy, theo điểm a, khoản 2 Điều 26 hành vi đánh bạc trái phép của cháu A sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phải chịu hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có theo khoản 6 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Trường hợp cháu A đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể : “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng  hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.          Câu 3: Do điều kiện gia đình khó khăn, học hết lớp 12, K không học tiếp lên đại học mà xin học nghề và trở thành thợ hàn. Tuy nhiên, K luôn có mong muốn vừa đi làm để phụ giúp gia đình vừa tìm một chương trình học phù hợp với thời gian làm việc của mình để tiếp tục học nâng cao trình độ học vấn của mình. Xin hỏi, mong muốn của K có thể thực hiện được hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 41 Luật Giáo dục năm 2019, K có thể theo học ngành nghề mà mình yêu thích theo chương trình giáo dục thường xuyên. Giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Điều 42 Luật Giáo dục quy định, nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên:

- Thực hiện xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định của pháp luật.

-  Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn.

Khoản 2 Điều 43 Luật Giáo dục quy định hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm:

- Vừa làm vừa học;

- Học từ xa;

- Tự học, tự học có hướng dẫn;

- Hình thức học khác theo nhu cầu của người học.

Như vậy, K có thể lựa chọn hình thức học phù hợp với tính chất công việc của mình.

 Câu 4: Tại cổng trường trung học phổ thông gần nhà, tôi thấy các cháu học sinh nam tập trung ở một quán nước vỉa hè và hút thuốc lá. Qua các phương tiện truyền thông tôi được biết pháp luật đã có những quy định về việc cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Xin hỏi, mức xử phạt hành chính đối với hành vi này được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;

b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

c) Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 01-03 tháng.

Quang Hưng

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn