TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 18/01/2021 08:57

Cần những giải pháp đồng bộ và tổng thể Ngăn ngừa bạo lực học đường

Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc xảy ra các vụ, việc liên quan đến bạo lực học đường. Trong một phút nông nổi, không làm chủ được bản thân, các em học sinh đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Với những lỗi lầm đã gây ra, các em không chỉ tước đi cơ hội phát triển của bạn bè mà đánh mất cả tuổi thanh xuân của chính bản thân mình. Vậy, giải pháp nào để ngăn ngừa nạn bạo lực học đường?

Bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Không ít vụ bạo lực học đường xảy ra đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau mà trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở đối tượng học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên… 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực học đường. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các em học sinh tiếp xúc rất sớm với Internet. Do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa có tính bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực…, những hình ảnh này được phát tán công khai trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Mặt khác, lứa tuổi học sinh đang có sự phát triển về tâm lý và thể chất. Đôi khi, có em học sinh do thể chất phát triển nhanh hơn tâm lý và trí tuệ đã dẫn đến những sự việc mang tính bột phát và để lại những hậu quả đau lòng.

 Hệ thống văn bản pháp luật về bạo lực học đường

Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành khá đầy đủ các văn bản pháp luật có quy định về việc phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống bạo lực học đường nói riêng như: Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các quy định về “Tội cố ý gây thương tích”, “Tội làm nhục người khác” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2009-2012 (được gia hạn 2 lần vào các năm: 2013-2016 và 2017-2021); Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015” (được gia hạn đến năm 2020)… Hiện nay, việc giảng dạy pháp luật trong trường học được tích hợp trong môn Giáo dục công dân (bao gồm môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018.

Tuy nhiên, việc triển khai các quy định này trên thực tế còn gặp không ít khó khăn như: Cơ sở vật chất ở nhiều nơi thiếu những hạng mục tối thiểu để bảo đảm an toàn cho học sinh; công tác tuyên truyền bị hạn chế do thời lượng bị cắt giảm; việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh thiếu cả về không gian, thời gian và kinh phí tổ chức; thậm chí ở một số nơi thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự tham gia phối hợp của các lực lượng xã hội với nhà trường.

Một số giải pháp phòng, tránh bạo lực học đường

Để góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường, trong thời gian tới, cần triển khai tổng thể các biện pháp giáo dục - pháp luật và xã hội như: Thực hiện công tác tư vấn tâm lý để bảo đảm việc các em được phát triển toàn diện, lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần; Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giúp các em giải trí sau giờ học, giảm áp lực từ việc học hành; Giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc để xảy ra vụ việc bạo lực học đường tại trường học. Thực hiện PBGDPL trên Trang thông tin PBGDPL, các trang mạng xã hội như zalo,facebook bằng các hình thức như: đăng tải các quy định pháp luật, xây dựng các câu chuyện, tiểu phẩm pháp luật, các tình huống pháp luật… Đặc biệt, có thể mở thêm những “sân chơi” bổ ích, giúp học sinh có cơ hội được tiếp xúc với các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao ý thức, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi vi pháp pháp luật liên quan đến bạo lực học đường nói riêng như: tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tổ chức các “phiên tòa giả định”... Trong các năm 2019 và 2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” cho học sinh trung học phổ thông, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức pháp luật cho thế hệ trẻ, từ đó góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.

               Phạm Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn